28/05/2024 15:26
Luật Kinh doanh Bất động sản, Nhà ở, Đất đai có thể hiệu lực từ 1/8
Phó Thủ tướng đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để sớm có hiệu lực dự kiến từ 1/8, thay vì tháng 7 như kế hoạch tại Nghị quyết của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng.
Phó Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao, hoàn thành trong tháng 6.
Quá trình xây dựng, ban hành cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật.
Việc chỉ đạo này nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời triển khai ngay sau khi các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8).
Như vậy, 3 luật gồm Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với hiệu lực Quốc hội thông qua là ngày 1/1/2025, tại kỳ họp đầu năm nay.
Trước đó, tại Nghị quyết của Chính phủ ngày 17/5, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Cụ thể, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023 và đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Chính phủ đề xuất 2 luật này có hiệu lực ngay từ ngày 1/7 năm nay, sớm hơn 6 tháng.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng để góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.
Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản.
Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực sớm sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh và bền vững thị trường bất động sản, theo Dân trí.
Bên cạnh đó, việc có hiệu lực thi hành sớm cũng hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.
Ngoài ra, việc này giúp qua đó tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Trước đó, vào ngày 26/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 53/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng, theo CAO.
Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật trên nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời triển khai ngay sau khi các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, các Tổ chức tín dụng được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm, dự kiến từ ngày 1/8/2024.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp