12/09/2018 14:07
Lãnh đạo các nước ASEAN nói gì về cuộc cách mạng 4.0?
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, lãnh đạo các nước ASEAN tập trung nói về cuộc cách mạng 4.0.
Thủ tướng Việt Nam Nguyên Xuân Phúc: Trong phần phát biểu của mình về cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ASEAN được biết đến như một khu vực khởi nguồn sáng tạo. Những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại với các nước ASEAN là vô cùng lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn. Ảnh: VnExpress |
Cuộc cách mạng này sẽ tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đồng thời phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đối tượng được xem là xương sống của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một số ưu tiên trong đó có việc tạo ra thêm kết nối số, hợp tác chia sẻ dữ liệu, tạo ra sự hài hoà môi trường kinh doanh, tìm kiếm phát huy tài năng, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống giáo dục suốt đời.
Người lãnh đạo cao nhất Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng: Trong bối cảnh 4.0, chúng ta phải chung tay hợp tác để phát triển, lấy người dân làm trung tâm. ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết thế giới đang có nhiều chuyển biến về công nghệ và có các công nghệ kết nối với nhau. Con người cũng sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động.
Theo ông Lý Hiển Long, ASEAN cần làm việc với nhiều đối tác quốc tế để xây dựng các hệ thống thương mại đa phương. Ông cũng cho rằng, ASEAN đã xây dựng được các mối quan hệ, các đối tác lớn trên thế giới mà CPTPP được thông qua vào cuối năm nay là một điển hình.
Lãnh đạo các nước ASEAN tại diễn đàn. Ảnh: VnExpress |
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng quan trọng đối với tất cả các nước ASEAN. Chúng ta có các thế mạnh cần tận dụng để tạo lợi ích cho tất cả các quốc gia", ông Lý Hiển Long kết thúc bài phát biểu.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo: Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt ra các câu hỏi: Chuyện gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới hiện nay? Liệu có phải chúng ta đang hướng tới 1 cuộc chiến vô hạn hay không? Từ cuộc khủng hoảng năm 1930, chưa bao giờ chiến tranh thương mại lại bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay.
Ông Joko Widodo nêu vấn đề: Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy rằng tất cả các nền kinh tế đang sử dụng tài nguyên vật lý một cách hiệu qủa hơn và hướng tới sự nhẹ nhàng hơn.
"Bằng chứng là trong những năm qua, khối lượng rác thải như ti vi, sách báo, giày dép đang được thay thế bởi điện thoại, máy tính bảng… Các nhà máy điện nặng nề đang được thay thế bởi tua- bin và năng lượng mặt trời", ông Joko Widodo dẫn chứng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen: Thủ tướng Hun Sen cũng cho rằng, cuộc cách mạng lần 4 cũng đưa lại những lo lắng, thách thức và khó khăn cho người lao động, trong đó có sự phân phối về lợi ích cho những nhóm người khác nhau, đặc biệt là nhóm người chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin.
Theo Thủ tướng Hun Sen, việc sử dụng các công nghệ như sinh học, người máy đã mang lại những thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử con người. Nó thể hiện trong nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, sản xuất, giáo dục, hành chính.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự kết nối tốt hơn với khu vực và thế giới, có các dịch vụ mới tốt hơn. Các nền kinh tế mới nổi có thể sử dụng các công nghệ mới để tạo bước nhảy vọt trong bước phát triển và công nghiệp hóa của mình", ônh nói.
Ông Hun Sen nói, cũng cần có khung pháp lý rõ ràng và các biện pháp đảm bảo số liệu và dữ liệu. Đó là an ninh mạng.
"ASEAN có thể phát triển hạ tầng, giáo dục, phát triển an ninh xã hội, giảm bất bình đẳng, duy trì bền vững hệ sinh thái", ông Hun Sen nêu.
Vị Thủ tướng Campuchia cũng nói rằng, ASEAN cần tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng, gia tăng kết nối với các khu vực, cần có sự chuẩn bị để chuẩn bị tốt hơn với các nguy cơ.
Lịch sử 4 cuộc cách mạng công nghệ của nhân loại. Đồ họa của Zing News |
Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith: Theo Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, cuộc cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội để phát triển và với ASEAN, cuộc cách mạng này mang lại những cơ hội phát triển to lớn về khoa học.
"Nhưng ngoài những lợi thế thì chúng ta cũng cần nghĩ tới những khó khăn và xung đột. Ở đây có thể có các xung đột về lợi ích giữa các quốc gia, những khoảng trống trong phát triển. Cuộc cách mạng 4.0 cũng có thể tạo ra những nguy cơ về an ninh mạng", ông nói.
Thủ tướng Lào đề nghị: ASEAN cần duy trì tính trung tâm, thống nhất của mình, để đảm bảo toàn bộ khu vực có khả năng phát triển và tăng trưởng.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết, Ban thư ký ASEAN đang nghiên cứu về sự sẵn sàng của ASEAN với cuộc cách mạng lần thứ 4. Nhưng ông cho rằng, ASEAN cần trao quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
"Trong cuộc cách mạng này, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều ngồi chung trên 1 con thuyền, cả ASEAN đang ngồi chung trên một con tuyền. Cần có những cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới, để khu vực ASEAN cùng phát triển", ông kết thúc bài phát biểu.
Cố vấn nhà nước Cộng hòa Myanmar Aung San Suu Kyi: Theo bà Aung San Suu Kyi ,các nước ASEAN cần phải sẵn sàng với kiến thức mới và kĩ năng phù hợp. "Hệ thống giáo dục của các quốc gia được xem là vô cùng quan trọng để đối mặt với các thách thức. Chúng tôi muốn học tập từ các quốc gia trên thế giới", bà nêu quan điểm.
Cố vấn nhà nước Cộng hòa Myanmar đặt câu hỏi: Làm thế nào để đối mặt được với các thách thức trong cuộc cách mạng này? Theo bà, đất nước Myanmar lấy Thuỵ Sỹ là bài học, chúng tôi thay đổi nhận thức của con người bằng yếu tố thực tế trong giáo dục và bỏ qua bằng cấp hàn lâm. Thanh niên nông thôn, người trẻ tuổi phải luôn luôn được khuyến khích sáng tạo mà không quan trọng bằng cấp của họ.
"Cuộc cách mạng lần thư 4 không phải là điều gì đó chúng ta đang mơ nữa. Cuộc cách mạng này đã tạo ra khác biệt gì? Đóng góp gì cho IQ của con người? Hãy so sánh với các cuộc cách mạng trước đó. Mục tiêu của Cách mạng công nghiệp lần 4 là gì cần thảo luận với nhau tại Diễn đàn lần này, để cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là chất xúc tác đem lại sự tốt đẹp cho tất cả mọi người", bà Aung San Suu Kyi chia sẻ ý kiến.
Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Jantong: Phó Thủ tướng Thái Lan cho rằng, công nghệ số không thể thiếu được trong cuôc sống hiện nay và nền kinh tế Thái Lan sẽ phát triển trên nền tảng công nghệ số.
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan, nước này sẽ giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và APEC trong thời gian tới, Thái Lan sẽ nỗ lực để kết nối những điểm chưa được kết nối với nhau về mặt thực thể và công nghệ số.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? Theo thông tin trên Zing News, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Nếu định nghĩa từ Gartner còn khó hiểu, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học". Theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Nối tiếp từ định nghĩa của Klaus Schwab, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano. Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt. |
Advertisement
Advertisement