Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kinh tế phục hồi, nhưng khó khăn còn nhiều

Quản trị

10/12/2022 08:53

Mặc dù nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, nhưng tốc độ tăng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng chậm lại, đòi hỏi các giải pháp điều hành phải chủ động, quyết liệt, hiệu quả hơn.

Nhìn từ xuất khẩu

Hết 11 tháng, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi với lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản duy trì ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Nhưng đúng như Chính phủ và các chuyên gia nhận định, khó khăn thách thức đang nổi trội hơn so với thuận lợi. Và thực tế diễn biến các dữ liệu kinh tế tháng 11 cũng đã cho thấy rõ điều này. 

Đáng chú ý vào thời điểm trước các dịp lễ lớn và Tết Nguyên đán cận kề, thường là nhu cầu lao động, việc làm trong các ngành công nghiệp, xuất khẩu chủ lực sẽ tăng cao thì nay lại tái xuất hiện tình trạng cắt giảm lao động, giờ làm hay nghỉ việc luân phiên như trong giai đoạn dịch hoành hành trước đây. 

Điều này được lý giải do nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm nên doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu khiến họ phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Kinh tế phục hồi, nhưng khó khăn còn nhiều - Ảnh 1.

Lần đầu tiên trong hai năm qua, xuất khẩu của Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế này được phản ánh trong ngành công nghiệp khi chỉ số IIP tháng 11 chỉ còn tăng 0,3% so với tháng trước, chỉ số PMI tháng 11 cũng rơi xuống dưới ngưỡng trung bình và giảm mạnh so với tháng 10 (47,4 điểm so với 50,6 điểm); Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa tháng 11 cũng giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái (dù tính chung 11 tháng vẫn tăng 13,4%). Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ: “Nguyên nhân chủ yếu của sự giảm sút này là do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… giảm ngay cả trong thời điểm tiêu dùng dịp Giáng sinh”.

Trong báo cáo Vietnam At A Glance tháng 12/2022 vừa công bố, các chuyên gia Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định, đây là lần đầu tiên trong vòng hai năm qua Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu đáng kể như vậy. “Là một ngôi sao đang lên và đã thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu, Việt Nam không tránh khỏi những tác động do đợt chậm lại đáng kể của thương mại toàn cầu này. 

Nói cách khác, giai đoạn “chững lại” đã tới”, báo cáo của HSBC đánh giá và cho rằng, tác động xảy ra trên diện rộng tại ba điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, đặc biệt là ảnh hưởng bởi suy giảm của kinh tế Mỹ.

Thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng

Như vậy về cơ bản có thể hình dung, các khó khăn bên ngoài đang đặt xuất khẩu - một trụ cột trong “cỗ xe tam mã” dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) - trước những thách thức lớn. Đây là rủi ro và khó khăn khách quan nên việc hóa giải không dễ dàng.

Vì thế, Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào thị trường tiêu dùng trong nước. Mặc dù sau những tháng liên tục phục hồi mạnh, tốc độ tăng tiêu dùng trong một vài tháng gần đây đã chậm lại nhưng vẫn ở mức rất cao. 

“Bất chấp các yếu tố bên ngoài suy yếu, nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi đã phần nào đem tới cứu cánh. Tuy tốc độ bắt đầu giảm nhiệt, doanh thu bán lẻ vẫn là trụ cột vững mạnh cho tăng trưởng”, các chuyên gia HSBC nhận định.

Cụ thể, mức tăng của bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11 chỉ tăng 17% so với cùng kỳ năm trước - tiếp tục cho thấy dấu hiệu chững lại nhưng nhiều khả năng sẽ không bị sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, dù vẫn “vắng bóng” khách du lịch Trung Quốc nhưng Việt Nam đã chủ động khai thác những thị trường mới như Ấn Độ, qua đó đưa tổng số khách du lịch quốc tế đến thời điểm này đạt gần 3 triệu lượt. 

Dù quy mô chưa lớn, nhưng việc mở rộng sang các thị trường mới ít nhất cũng sẽ mang lại sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình phục hồi khách quốc tế của ngành du lịch. Tới đây, bên cạnh việc triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng các thị trường và phát triển các sản phẩm du lịch mới, cơ quan chủ quản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam trong tình hình mới, tập trung vào cải thiện về thời hạn visa, miễn visa và các chương trình hỗ trợ để thu hút khách đến, nhất là sẵn sàng đón dòng khách từ Trung Quốc (nguồn khách quốc tế lớn nhất) khi nước này mở cửa trở lại.

Cùng với tiêu dùng trong nước, các chuyên gia cho rằng đầu tư được xem là có dư địa lớn nhất nên phải tập trung thúc đẩy trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, chính sách tài khóa đóng góp rất quan trọng và cần là chỗ dựa vững chắc cho tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đặc biệt tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công và cần tận dụng kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng trong năm tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, khi sức cầu tiêu dùng trong nước được duy trì và hoạt động đầu tư được thúc đẩy (đặc biệt là giải ngân đầu tư công và các gói trong Chương trình phục hồi), cộng hưởng với các yếu tố khác như rủi ro tái diễn tình trạng thiếu hụt, đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu; các mặt hàng thiết yếu bị đầu cơ đẩy giá; áp lực lạm phát nhập khẩu… sẽ khiến áp lực lạm phát trong nước gia tăng.

Dù đến nay CPI bình quân mới tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước nhưng các chuyên gia HSBC chỉ ra, liên tiếp trong các tháng 10 và 11 vừa qua, CPI đã vượt mức 4% (lần lượt tăng 4,3% và 4,37% so với cùng kỳ). Thực tế này cộng hưởng thêm hiệu ứng cơ sở không thuận lợi, nên dự báo áp lực lạm phát sẽ còn tăng trong vài tháng/quý tới, khiến NHNN nhiều khả năng phải tiếp tục có những biện pháp tiền tệ để “hãm phanh”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng, đòi hỏi các giải pháp điều hành phải chủ động, quyết liệt, hiệu quả hơn để xử lý ngay, không làm tăng thêm các khó khăn, thách thức, đồng thời củng cố các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách cuối năm 2022, đầu năm 2023. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

ĐỖ LÊ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement