01/03/2023 18:43
Khuyến nghị cổ phiếu 2/3: HDG, PC1, GAS, VCB
HDG, PC1, GAS, VCB là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 2/3, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị HDG: Khả quan
CTCK Bản Việt – VCSC: VCBS giảm giá mục tiêu cho cổ phiếu HDG 14% nhưng giữ nguyên khuyến nghị mua. Giá mục tiêu thấp hơn đến từ việc điều chỉnh giảm định giá mảng bất động sản thêm 30% do trì hoãn việc mở bán các dự án bất động sản của HDG từ 6 tháng đến 1 năm và định giá thấp hơn cho dự án Charm Villas. Điều này tương ứng mảng bất động sản chỉ đóng góp 30% vào định giá của HDG.
VCBS giảm dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023-2026 thêm 12% khi kéo dài thời gian bàn giao Charm Villas Giai đoạn 3 trong 3 năm (2023-2025) do niềm tin của người mua nhà hiện đang yếu. VCBS cũng trì hoãn mở bán/bàn giao 2 dự án bất động sản phân khúc tầm trung tại TP.HCM và 2 dự án bất động sản tại Hà Nội do thủ tục pháp lý chưa có cải thiện đáng kể.
VCBS dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS năm 2023 sẽ giảm 24% YoY với tỷ lệ đóng góp lợi nhuận sau thuế từ mảng năng lượng thấp hơn (-11% YoY), lấn áp lợi nhuận sau thuế cao hơn từ Charm Villas (+13% YoY) và lợi nhuận sau thuế cao hơn từ mảng khách sạn & văn phòng cho thuê.
Mức định giá của HDG hấp dẫn với P/E trượt là 6,7 lần — thấp hơn 30% so với một số công ty ngành điện và bất động sản; P/E dự phóng năm 2023 của HDG cũng thấp hơn khoảng 20% so với PC1 (công ty cùng ngành tương tự nhất với HDG). VCBS dự báo ROE trung bình là 20% và CAGR EPS là 24% trong giai đoạn 2022-2025.
HDG có kế hoạch mở rộng công suất điện gió rõ ràng nhất trong phạm vi theo dõi của VCBS với công suất 540 MW, tên/địa điểm các dự án cụ thể ở miền Trung và được đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện VII điều chỉnh.
Khuyến nghị PC1: Khả quan
CTCK ACB – ACBS: Công ty CP Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) là một trong số ít doanh nghiệp đặc biệt chuyên về xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, được thành lập từ năm 1963, hơn 60 năm với lĩnh vực kinh doanh ban đầu là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia.
Trong quá trình hình thành và phát triển, PC1 đã phát triển thành công ty đa ngành, nhưng hoạt động kinh doanh chính vẫn là xây dựng hệ thống truyền tải và trạm biến áp (TBA). ACBS đưa ra khuyến nghị MUA đối với PC1 với giá mục tiêu là 30.442 đồng, tương ứng với mức sinh lời kỳ vọng 16,2%.
Năm 2022, tổng công suất lắp đặt toàn quốc đạt 79.651 MW (đã vươn lên đứng nhất Đông Nam Á), cung cấp 286,4 tỷ kWh. Để tránh tình trạng khủng khoảng năng lượng như vừa xảy ra ở Nam Phi, ngành điện nói chung và cơ sở hạ tầng cần được quan tâm và tái đầu tư liên tục, song song và đồng bộ với quy mô của nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống truyền tải và phân phối.
Chính phủ dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trung bình hàng năm là 290.000 tỷ đồng cho ngành điện để đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Như vậy, PC1 với lợi thế là công ty chuyên biệt về xây lắp hạ tầng điện, sẽ được hưởng lợi đầu tiên trong chuỗi giá trị.
Ngoài ra, PC1 cũng đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực xây dựng nhà máy điện, đặc biệt là thủy điện và điện gió trong bối cảnh Việt Nam tái cam kết tại COP27 về giảm phát thải ròng cac-bon bằng 0 vào năm 2050 cùng với khoản tài trợ 15,5 tỷ USD Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cũng theo Quy hoạch điện Quốc gia VIII (QHD8) – dự thảo lần 9 vào tháng 12/2022, dù chưa được phê duyệt chính thức nhưng nhiều dự án năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ được sớm triển khai, đi kèm với việc nâng cấp hệ thống lưới điện thông minh để giảm bớt nhược điểm thiếu ổn định của NLTT. Do đó, PC1 sẽ không chỉ được hưởng lợi từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà còn từ các dự án xây dựng nhà máy NLTT.
Khuyến nghị GAS: Nắm giữ cổ phiếu ở mức giá hiện tại
CTCK Phú Hưng – PHS: Trong năm 2022, doanh thu thuần của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) đạt 100.7 nghìn tỷ đồng (+27,5% YoY) và lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên mức 15,1 nghìn tỷ đồng (+70,2% YoY).
Đây là mức tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm nhờ điều kiện đặc biệt thuận lợi khi chiến sự nổ ra ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và đẩy giá than lên cao kỉ lục, từ đó kích hoạt sự chuyển dịch ngắn hạn từ năng lượng nhiệt than sang năng lượng nhiệt khí bất chấp giá các mặt hàng khí đốt cũng đạt mức cao chưa từng thấy.
Chiến sự ở Ukraine được cho là sẽ kéo dài nhưng cán cân cung – cầu đã dần tìm lại được thăng bằng khi các nhà cung cấp lớn đã tăng sản lượng để khỏa lấp phần nào khoảng trống mà Nga để lại, đặc biệt là LNG từ Mỹ và Qatar. Dù vậy vẫn tồn tại nhiều nguy cơ gây áp lực lên nguồn cung như việc Trung Quốc nhanh chóng mở cửa nền kinh tế sau đại dịch.
PHS cho rằng, giá bán khí có thể giảm khoảng 9,1% YoY trong năm 2023, trong khi sản lượng khí khô và LPG dự kiến tăng trưởng lần lượt là 7% YoY và 5% YoY. Khi đó, doanh thu thuần có thể đạt 100,8 nghìn tỷ đồng (+0,07% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 14,1 nghìn tỷ đồng (-6,56% YoY). Doanh thu có thể duy trì tăng trưởng là nhờ sự quay trở lại của nhiệt điện khí, một trong những khách hàng chính của GAS khi La Nina có thể qua đi từ năm 2023 và cuốn đi ưu thế của thủy điện.
Điểm nhấn đầu tư: (1) Giá khí vẫn có thể duy trì mức khá cao và sản lượng tiếp tục tăng trưởng do nhiệt điện lấy lại ưu thế so với thủy điện. (2) Công ty đang đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và phân phối Khí hóa lỏng (LNG), LNG Thị Vải, năm 2023 và LNG Sơn Mỹ từ năm 2025, nhằm phục vụ nhu cầu khí đốt tăng cao trong nước khi (3) Chính phủ đã nhấn mạnh sự chuyển dịch năng lượng xanh để đáp ứng yêu cầu giảm thải carbon đã cam kết giữa các quốc gia và do đó, sẽ ưu tiên nguồn năng lượng từ khí trong tầm nhìn đến năm 2030. Sự chuyển dịch này cùng với nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng công nghiệp và hộ gia đình được kỳ vọng sẽ thắp sáng triển vọng của công ty trong tương lai sắp tới.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 105.500 đồng/cp. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu GAS với mức tăng giá tiềm năng là 0%. Định giá của PHS không bao gồm các dự án Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh và LNG Sơn Mỹ giai đoạn 2 do sự không chắc chắn, điều kiện không thuận lợi và thiếu thông tin cần thiết trong giai đoạn định giá.
Rủi ro: (1) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (2) Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét; (3) Rủi ro địa chính trị.
Khuyến nghị VCB: Trung lập
CTCK Tiên Phong - TPS: Kết quả lợi nhuận 2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) vượt trội nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ và chi phí trích lập dự phòng giảm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 và cả năm 2022 lần lượt ghi nhận 9.934 tỷ đồng (tăng 53,85% so với cùng kỳ năm trước) và 29.912 tỷ đồng (tăng trưởng 35,34% so với năm trước).
Nhìn chung, kết quả tăng trưởng vượt trội nhờ vào (1) đẩy mạnh hoạt động tín dụng với tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao và NIM cải thiện (2) thu nhập từ hoạt động ngoại hối tăng mạnh (3) chi phí trích lập dự phòng giảm do tình hình nợ xấu kiểm soát tốt và khả năng phục hồi sau covid-19 mạnh mẽ.
Triển vọng 2023: Tăng trưởng tín dụng 2023 kì vọng 16%, cao hơn trung bình ngành nhưng thấp hơn năm 2022 do khó khăn chung của thị trường. NIM vẫn giảm nhẹ do chính sách giảm lãi suất trong những tháng đầu năm 2023.
Hoạt động từ ngoại hối vẫn tiếp tục tăng trưởng tuy nhiên mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước. Nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh khó khăn chung, tuy nhiên kỳ vọng rủi ro nằm trong tầm kiểm soát với quy trình kiểm soát tiếp tục phát huy tính hiệu quả, bộ đệm trích dự phòng cao, và tỷ trọng dư nợ TPDN và cho vay kinh doanh bất động sản thấp.
Với mức định giá P/B mục tiêu là 2.64x, giá mục tiêu ước tính đối với VCB là 95.300 đồng/CP, tăng 2,5% so với mức giá ngày 22/02/2023. Nhìn chung, TPS cho rằng mức giá thị trường hiện tại đã phản ánh giá trị tiềm năng của VCB.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp