28/02/2023 20:51
Khuyến nghị cổ phiếu 1/3: VCB, VNM, BAF, NT2
VCB, VNM, BAF, NT2 là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 1/3, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị VCB: Trung lập
CTCK Tiên Phong (TPS): Kết quả lợi nhuận 2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB – sàn HOSE) vượt trội nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ và chi phí trích lập dự phòng giảm.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 và cả năm 2022 lần lượt ghi nhận 9.934 tỷ đồng (tăng 53,85% so với cùng kỳ năm trước) và 29.912 tỷ đồng (tăng trưởng 35,34% so với năm trước).
Nhìn chung, kết quả tăng trưởng vượt trội nhờ vào (1) đẩy mạnh hoạt động tín dụng với tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao và NIM cải thiện (2) thu nhập từ hoạt động ngoại hối tăng mạnh (3) chi phí trích lập dự phòng giảm do tình hình nợ xấu kiểm soát tốt và khả năng phục hồi sau covid-19 mạnh mẽ.
Triển vọng 2023: Tăng trưởng tín dụng 2023 kì vọng 16%, cao hơn trung bình ngành nhưng thấp hơn năm 2022 do khó khăn chung của thị trường. NIM vẫn giảm nhẹ do chính sách giảm lãi suất trong những tháng đầu năm 2023.
Hoạt động từ ngoại hối vẫn tiếp tục tăng trưởng tuy nhiên mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước. Nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh khó khăn chung, tuy nhiên kỳ vọng rủi ro nằm trong tầm kiểm soát với quy trình kiểm soát tiếp tục phát huy tính hiệu quả, bộ đệm trích dự phòng cao, và tỷ trọng dư nợ TPDN và cho vay kinh doanh bất động sản thấp.
Với mức định giá P/B mục tiêu là 2.64x, giá mục tiêu ước tính đối với VCB là 95.300 đồng/CP, tăng 2,5% so với mức giá ngày 22/02/2023. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng mức giá thị trường hiện tại đã phản ánh giá trị tiềm năng của VCB.
Khuyến nghị VNM: Nắm giữ cổ phiếu với giá mục tiêu 81.200 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Lũy kế cả năm 2022, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận, tương ứng với 59.956 tỷ đồng doanh thu thuần và 8.577 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả trên công ty cũng hoàn thành lần lượt 96,3% và 90,2% dự phóng năm 2022 của KBSV.
Chúng tôi dự đoán thị trường nội địa của VNM sẽ tiếp tục đi ngang do (1) mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, VNM khó để tăng thêm thị phần; (2) nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn chưa cao; (3) trong ngắn hạn sức mua của người tiêu dùng chưa thể hồi phục ngay khi thu nhập bị ảnh hưởng sau làn sóng cắt giảm nhân sự trong quý 4 vừa qua.
Do phải sử dụng tồn kho sữa bột giá cao nên biên lợi nhuận gộp năm 2022 chưa đạt kỳ vọng. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ được cải thiện từ quý 2/2023 hoặc quý 3/2023 khi công ty bắt đầu sử dụng sữa bột giá thấp cho sản xuất. Dự kiến biên lợi nhuận gộp của VNM năm 2023 đạt 40.84% (tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2022).
Mặc dù chỉ hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận, VNM dự kiến vẫn duy trì trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 38% tính trên mệnh giá và 90% tính trên lợi nhuận phân phối cho cổ đông Công ty mẹ.
Dự kiến năm 2023, doanh thu thuần của VNM đạt 62.096 tỷ đồng (tăng 3,5% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 9.368 tỷ đồng (tăng trưởng 9,2%). Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 81.200 đồng/CP, cao hơn 8% so với giá đóng cửa ngày 27/02/2022.
Khuyến nghị BAF: Khả quan với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP
CTCK VNDirect – VND: Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) ghi nhận doanh thu năm 2022 giảm 32,5% svck, trong đó doanh thu mảng 3F tăng 72,5% svck đã bù đắp phần nào cho mức sụt giảm 40,7% svck trong mảng kinh doanh nông sản.
Tuy nhiên, doanh thu mảng 3F vẫn thấp hơn dự phóng của VND do 1) doanh thu từ kênh truyền thống (chiếm 55% doanh thu mảng 3F) thấp hơn 22,5% so với ước tính của VND do nhu cầu tiêu thụ thịt yếu và giá bán thấp, và 2) BAF giảm giá ở kênh phân phối hiện đại để thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp mảng 3F tăng 2,2 điểm % svck trong năm 2022 trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh 360,0% svck do mở rộng trang trại và hệ thống phân phối. Do đó, lợi nhuận ròng của BAF giảm 9,2% svck trong năm 2022, thấp hơn 15% so với kỳ vọng của VND.
Trong năm 2023, doanh nghiệp dự kiến xây dựng thêm 3 trang trại mới tại Bình Phước và Nghệ An (với tổng công suất 11.250 lợn giống và 120.000 lợn thịt), tăng tổng đàn lên 65,5% svck. BAF cũng dự kiến mở rộng hệ thống phân phối, nâng số lượng siêu thị Siba Food và Meat shop lên 72/600 cửa hàng (+20%/100% svck) vào 2023.
VND kỳ vọng sản lượng bán của BAF sẽ tăng 26,0%/13,0% svck trong giai đoạn 2023-24. Giá bán dự kiến sẽ tăng 1,0%/1,0% svck trong 2023-24 do VND nhận thấy BAF vẫn đang trong giai đoạn mở rộng thị trường, vì vậy công ty sẽ duy trì chính sách giá ưu đãi để thu hút khách hàng. Tóm lại, VND dự phóng doanh thu mảng 3F sẽ tăng 34,1%/19,9% svck trong giai đoạn 2023-24.
Trong năm 2023, giá lợn hơi dự phóng tăng 5,0% svck nhờ 1) nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và 2) nguồn cung từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. VND cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần từ năm 2023. Do đó, VND kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng 3F tăng 3,3/0,6 điểm % svck trong 2023-24. Do đó, lợi nhuận ròng của BAF dự kiến sẽ tăng 4,6%/8,2% svck trong giai đoạn 2023-24.
VND duy trì khuyến nghị Khả quan cho cổ phiếu BAF với giá mục tiêu thấp hơn là 27.200 đồng/cp. Giá mục tiêu của VND được tính dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp chiết khấu dòng tiền và hệ số EV/EBITDA với tỷ trọng ngang nhau.
Động lực tăng giá bao gồm 1) nhu cầu tiêu thụ thịt cao hơn dự kiến và 2) giá lợn hơi cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm 1) tiêu thụ thịt thấp hơn dự kiến, 2) việc mở rộng các cửa hàng Siba Food chậm hơn dự kiến và 3) giá đầu vào nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng nhanh hơn dự kiến.
Khuyến nghị NT2: Nắm giữ cổ phiếu với giá mục tiêu 31.200 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam – KBSV: Doanh thu thuần 2022 của Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) đạt 8.786 tỷ đồng (tăng 42,9% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 729 tỷ đồng, tương đương 156% kế hoạch năm.
Luỹ kế 12 tháng 2022, sản lượng điện thương phẩm đạt 4.065 triệu kWh (tăng trưởng 27,2%). Sản lượng Qc cả năm đạt 3.473,23 triệu kWh, chiếm khoảng 85% sản lượng điện thương phẩm của NT2. Kết quả tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu điện phục hồi tại khu vực miền Nam.
Trong năm 2023 với dự báo tình hình thời tiết sẽ không còn thuận lợi cho thuỷ điện sẽ mở ra dư địa huy động cho nhiệt điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện khí có phát thải thấp hơn so với điện than.
Với lợi thế vị trí, KBSV cho rằng NT2 sẽ được ưu tiên huy động trong thời gian tới. Tuy nhiên, NT2 có kế hoạch đại tu tại mức 100.000 giờ và phải tạm ngưng nhà máy trong khoảng hơn 40 ngày nhưng với nhu cầu cao, sản lượng năm 2023 của NT2 vẫn sẽ đạt 3.859 triệu kWh (giảm 5,1% so với năm trước).
Với dòng tiền hoạt động kinh doanh dồi dào và việc hoàn thành nghĩa vụ nợ dài hạn trong năm 2021, NT2 đang sở hữu một vị thế kết quả kinh doanh không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi biến động từ chênh lệch tỷ giá cũng như lãi suất như các doanh nghiệp điện khác.
KBSV kỳ vọng NT2 tiếp tục duy trì chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao cho năm 2023. Công ty mẹ của NT2 là PV Power đang thực hiện cụm dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024 là một điểm tựa vững chắc cho việc NT2 sẽ gia tăng tỷ lệ trả cổ tức của mình.
Dựa trên định giá FCFF và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NT2. Giá mục tiêu là 31.200 đồng/cp, cao hơn so với giá tại ngày 27/02/2023.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp