Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Khơi mào cuộc chiến thương mại toàn diện Mỹ - Nga

Phân tích

05/08/2017 09:01

Ngày 2.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định thành luật gói trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên, một động thái mà Nga tuyên bố là sự khơi mào cuộc chiến thương mại toàn diện, cũng như đặt dấu chấm hết cho hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga với Mỹ.

Ký vì “sự đoàn kết quốc gia”

Quốc hội Mỹ tuần trước biểu quyết áp đảo thông qua dự luật trừng phạt, đi ngược lại với mong muốn cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống Donald Trump. CNN trích dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, luật “bao gồm một số điều khoản rõ ràng vi hiến, nhằm xoá bỏ quyền hiến định của Tổng thống để công nhận các chính phủ nước ngoài, kể cả giới hạn lãnh thổ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại G20 ở Đức, tháng 7.2017. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump chỉ trích luật này vi phạm quyền hạn của ông trong việc định hình chính sách đối ngoại, và nói rằng ông có thể đạt được “thỏa thuận tốt hơn nhiều” với các chính phủ hơn là Quốc hội.

“Dự luật còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng, đặc biệt vì nó chiếm thẩm quyền của hành pháp trong việc thương lượng. Quốc hội thậm chí còn không đàm phán được một dự luật chăm sóc sức khoẻ sau 7 năm.

Bằng cách hạn chế sự linh hoạt của bên hành pháp, dự luật khiến Chính phủ Mỹ khó khăn hơn để đạt được những thoả thuận tốt hơn cho người Mỹ, đồng thời khiến Nga, Trung Quốc và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn” - ông Donald Trump viết trong tuyên bố, và nói thêm rằng ông ký thành luật văn kiện này vì “sự đoàn kết quốc gia”, dù ông thấy còn nhiều vấn đề gây quan ngại.

Luật mới này là chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng. Nó bao gồm một điều khoản cho phép Quốc hội chấm dứt bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống nhằm giảm nhẹ những chế tài hiện hành đối với Nga. Bản thân ông Donald Trump đã bị “trói tay” sau khi Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua luật này hồi tuần trước với tỉ lệ cách biệt áp đảo.

Cuộc chiến thương mại toàn diện

Ngay sau khi Nhà Trắng công bố thông tin, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phản ứng mạnh mẽ với việc ký thành luật, nói rằng đây là “tuyên bố về một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Nga”. Cảnh báo Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả, Thủ tướng Nga còn chỉ ra yếu kém của Nhà Trắng vì không chịu được áp lực chính trị nội bộ.

“Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chứng tỏ sự bất lực hoàn toàn, theo một cách tồi tệ nhất, chuyển giao quyền lực hành pháp sang Quốc hội. Điều này đã làm thay đổi sự cân bằng quyền lực trong chính giới Mỹ” - ông Medvedev viết tiếp, cho rằng kết cục của cuộc đấu là nhằm loại ông Donald Trump khỏi nhiệm sở.

Thủ tướng Medvedev cho biết, các biện pháp trừng phạt đã được luật hoá và sẽ được duy trì hàng chục năm. Hơn nữa, luật này còn khắc nghiệt hơn đạo luật Jackson-Vanik, vì nó có tính toàn diện và không thể bãi bỏ bằng một sắc lệnh đặc biệt của tổng thống mà không có sự đồng ý của Quốc hội. “Do đó, quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai sẽ rất căng thẳng, bất kể Quốc hội là ai và tổng thống là ai” - ông Medvedev nói.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, Nga - vốn đã chịu trừng phạt của Mỹ trong hàng thập kỷ - sẽ đương đầu với chế tài mới, tập trung phát triển kinh tế xã hội, tìm kiếm giải pháp thay thế nhập khẩu và giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.

“Chúng tôi đã học được nhiều điều trong những năm gần đây trong điều kiện các thị trường tài chính gần như bị đóng cửa, các chủ nợ nước ngoài sợ hãi, các nhà đầu tư chịu thiệt hại. Nhưng chính điều đó lại có lợi cho chúng tôi xét theo nhiều khía cạnh, mặc dù về tổng thể, trừng phạt là phi lý” - TASS dẫn lời ông Medvedev.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định, lệnh trừng phạt của Mỹ là thiển cận và gây nguy hiểm cho sự ổn định toàn cầu. “Đây là lúc nhận ra rằng, những mối đe doạ và nỗ lực gây áp lực lên Nga không làm Nga thay đổi lập trường hoặc hy sinh lợi ích của mình”.

Nga - Iran bắt tay

Luật trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga, trong khi Iran và Triều Tiên cũng sẽ chịu chế tài. Iran khẳng định, các lệnh trừng phạt của Mỹ phá vỡ những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới. Hãng tin ISNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố: “Thỏa thuận hạt nhân đã bị vi phạm, và Iran sẽ cho thấy phản ứng thích đáng và tương ứng đối với vấn đề này”.

Đúng như Tổng thống Donald Trump dự đoán về việc xích lại gần nhau giữa các nước bị trừng phạt, Nga và Iran tuyên bố ký kết một thoả thuận trị giá 2,5 tỉ USD để khởi động dây chuyền sản xuất toa xe lửa.

Sau nhiều thập kỷ bị trừng phạt, Iran đang nỗ lực tái thiết cơ sở hạ tầng, bao gồm xây đường cao tốc và đường sắt. Thoả thuận mới nhất với Nga là minh chứng cho thấy mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa Iran và Nga, hai nước chịu chế tài của Mỹ.

“Luật này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga-Mỹ trong nhiều thập kỷ, trừ khi có phép màu xảy ra” - RT dẫn lời Thủ tướng Nga D.Medvedev viết trên Facebook.

VÂN ANH (Lao động)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement