03/06/2023 08:53
Khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp hiện thời khác biệt với giai đoạn 2008-2012
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, sáng 3/6.
Cùng với việc chỉ ra những điểm tích cực của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023 đã chỉ ra những thách thức, khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt.
Thứ nhất, hoạt động sản xuất - kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư , thu hút đầu tư nước ngoài… tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%), kéo dài xu hướng giảm từ đầu năm. Trong đó, IIP công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%). Một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện thoại, điện tử, chế biến gỗ, ô tô … tiếp tục giảm.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, du lịch có dấu hiệu chậm lại, khách quốc tế đến Việt Nam tháng Năm giảm 6,9% so với tháng trước, trong khi thiếu các giải pháp hiệu quả, quyết liệt để kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ ăn uống, lưu trú, quảng bá, xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch…, khắc phục “tính mùa vụ” trong hoạt động du lịch.
Cùng với đó, đầu tư xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy đã có tín hiệu phục hồi, nhưng còn chậm. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 5 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vẫn giảm 7,3%, đặc biệt là vốn tăng thêm của các dự án đang triển khai giảm 59,4% so với cùng kỳ.
“Một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn bị ngưng trệ, dừng đầu tư hoặc chậm triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa dù đã phục hồi nhẹ trong tháng Năm, nhưng tính chung 5 tháng lần lượt giảm 14,7%, 11,6% và 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
“Các thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN cần lưu ý khi tiếp tục giảm trong tháng Năm. Nhập khẩu tư liệu sản xuất 5 tháng giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng giảm 15,7%). Điều này cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Một khó khăn khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, đó là các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất - kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường.
Theo Bộ trưởng, tính chung 5 tháng, có hơn 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ, nhưng cũng có khoảng 95.000 doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, cho thấy có dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, qua thảo luận tại Quốc hội và kết quả làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, có ba khó khăn, thách thức lớn đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra.
Thứ nhất, là khó khăn về dòng tiền, khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là vốn lưu động cho sản xuất - kinh doanh.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến ngày 29/5 chỉ tăng 3,08% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,93%). Điều này, theo Bộ trưởng, chứng tỏ nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng vay hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng chậm.
Thứ hai, là khó khăn về thị trường, nhất là các nhóm hàng chủ lực như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ…
Hiện nay, thị trường bất động sản khó khăn, tác động lớn đến hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, đồ gỗ và lao động việc làm trong nước. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng Năm chỉ đạt 45,3 điểm, kéo dài xu hướng phản ánh sản xuất, đơn hàng yếu đi từ cuối năm 2022.
Thứ ba, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhiều nhưng chưa thông thoáng, làm tăng chi phí cho sản xuất - kinh doanh.
“Trong một số trường hợp, chính sách, quy định mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới; vướng mắc pháp lý của dự án đầu tư chậm được tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, những vấn đề doanh nghiệp, nền kinh tế đang phải đối mặt hiện nay rất khác biệt so với giai đoạn 2008-2013, được cộng hưởng bởi tác động nhanh, mạnh, cùng thời điểm của nhiều yếu tố, như nền kinh tế có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng mạnh từ bên ngoài; năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn do tác động kéo dài của dịch Covid-19; chính sách tiền tệ đột ngột thắt chặt, làm giảm nhu cầu tại các thị trường lớn của nước ta, gây áp lực lên tỷ giá…
Chưa kể, còn các vấn đề trong nước khác, như ngân hàng, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, thị trường đầu vào, đầu ra xuất nhập khẩu…
Tất cả đã khiến các điểm yếu, các khó khăn của nền kinh tế bộc lộ một cách rõ nét hơn.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời, tuy nhiên cần có các giải pháp để tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại gắn với thời gian, phạm vi cụ thể”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh đó, điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực, thu ngân sách nhà nước thời gian tới có thể bị tác động mạnh do sản xuất - kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ phụ thuộc nhiều vào bối cảnh tiền tệ, lạm phát của thế giới, trong khi FED dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả; xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nướ ngoài gặp nhiều thách thức trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm; nợ của doanh nghiệp, điều kiện tiếp cận tài chính thắt chặt tại nhiều nền kinh tế lớn; Trung Quốc phục hồi chưa bền vững; áp lực cạnh tranh gia tăng…
Một khó khăn khác được Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. Chưa kể, rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bạo lực học đường phức tạp…
Theo Bộ trưởng, hiện nay, những khó khăn, thách thức lớn của thế giới, khu vực đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư... trong nước. Đây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong một sớm, một chiều, trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch Covid-19 đã đến mức tới hạn.
“Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement