19/05/2022 16:04
Kế hoạch tài trợ cho Ukraina 'chiếm sóng' tại cuộc họp của G7 đang diễn ra tại Đức
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm 7 quốc gia giàu nhất thế giới (G7) gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Anh, Đức, Pháp và Ý đang gặp nhau tại Đức và vấn đề viện trợ cho Ukraina được xem là vấn đề nổi bật trong các chương trình nghị sự.
"Chúng tôi phải đảm bảo tính thanh khoản của nhà nước Ukraina", Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, người đóng vai trò chức chủ tịch luân phiên của nhóm, nói với các phóng viên khi bước vào cuộc họp.
"Tôi khá lạc quan rằng, chúng ta có thể tăng tài trợ để Ukraina tự bảo vệ mình trong những tháng tới tại cuộc họp này", ông nói.
"Cuộc chiến ở Ukraina ... cũng kéo theo những rủi ro khác cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới ... lạm phát,…. Vì vậy, chúng ta sẽ phải thảo luận về những gì chúng ta có thể làm cùng nhau trong các lĩnh vực tương ứng", Bộ trưởng Lindner cho biết thêm.
Cuộc chiến Ukraina được xem là một sự thay đổi cuộc chơi đối với các cường quốc phương Tây, buộc họ phải suy nghĩ lại về mối quan hệ hàng thập kỷ với Nga. Đó không chỉ các mối quan hệ về an ninh mà còn về năng lượng, lương thực và các chuỗi cung ứng toàn cầu từ vi mạch cho đến đất hiếm.
Một quan chức G7 giấu tên cho biết: "Ukraina đang làm lu mờ vấn đề khác tại cuộc họp này. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề khác cần phải được thảo luận".
Ukraina ước tính nhu cầu tài chính của họ ở mức 5 tỷ USD mỗi tháng để trả lương cho công nhân viên chức và chính quyền Ukraina vẫn đang hoạt động bất chấp sự tàn phá hàng ngày của Nga.
Gói tài trợ ngắn hạn khoảng 15 tỷ USD sẽ được G7 đồng ý nhằm đáp ứng các nhu cầu của Ukraina trong 3 tháng.
Trước đó vào hôm thứ Tư, Ủy ban châu Âu đã đề nghị cung cấp khoản vay lên tới 9 tỷ euro (9,44 tỷ USD) cho Ukraina. Khoản vay này được các chính phủ EU bảo lãnh nhằm giúp Kyiv trang trải các nhu cầu trong nước cho đến cuối tháng 6.
Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraina lên 600 triệu USD để giúp nước này trang trải các nhu cầu ngắn hạn, Thủ tướng Fumio Kishida nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
Chủ tịch Ủy ban EU cũng đề xuất thành lập một quỹ viện trợ và cho vay với quy mô không xác định cho Ukraina để nước này chi trả cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh.
Một số nhà kinh tế ước tính, một dự án như vậy sẽ cần từ 500 tỷ euro đến 2.000 tỷ euro (524 tỷ đến 2,09 nghìn tỷ USD), tùy thuộc vào thời gian của cuộc xung đột và phạm vi tàn phá.
EU không chỉ xem xét một dự án vay vốn chung mới, dựa trên quỹ phục hồi đại dịch, mà còn thu giữ tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng ở EU, làm nguồn tài chính.
Tuy nhiên, một số quốc gia như Đức nói rằng ý tưởng này, mặc dù thú vị về mặt chính trị, nhưng trên cơ sở pháp lý là không ổn định.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, còn quá sớm để vạch ra nguồn tài chính cho một kế hoạch tái thiết lớn ở Ukraina và Washington muốn các cuộc thảo luận tập trung vào nhu cầu ngân sách tức thời của Kyiv trong ba tháng tới.
Một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết: "Xét cho cùng, những nhu cầu xây dựng lại này chủ yếu là trong tương lai. Đây là lý do tại sao chúng tôi tập trung nhiều hơn vào nhu cầu ngân sách của Ukraina trong ba tháng tới hơn là về tái thiết, Kế hoạch Marshall và tịch thu tài sản của Nga".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp