27/05/2019 00:37
Iraq cảnh báo về “hiểm họa chiến tranh” tại Vùng Vịnh
Các nhà lãnh đạo Iraq đã cảnh báo về những nguy cơ chiến tranh trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tới nước này.
Theo AFP, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp bên phía Iraq Mohammed Ali al-Hakim, Ngoại trưởng Zarif khẳng định: “Chúng tôi đang đẩy lùi những nỗ lực gây chiến với Iran, dù là (chiến tranh) kinh tế hay quân sự. Chúng tôi sẽ đối mặt với những nỗ lực này bằng sức mạnh và chúng tôi sẽ kháng cự”.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Mohammad Javad Zarif, bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Mohamed Ali Alhakim tại Baghdad, Iraq ngày 26/5/2019. Ảnh: Reuters |
Về phần mình, Ngoại trưởng Hakim nêu rõ: “Chúng tôi đang sát cánh với quốc gia láng giềng Iran. Các lệnh trừng phạt kinh tế là không cần thiết và gây ra đau khổ quá lớn đối với nhân dân Iran”.
Theo Văn phòng Thủ tướng Iraq, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Iran tối 25/5, Thủ tướng Adel Abdel Mahdi đã cảnh báo về “hiểm họa của một cuộc chiến tranh”. Ông Mahdi cũng cam kết nỗ lực vì “hòa bình khu vực và giữ vững thỏa thuận hạt nhân”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Iraq Barham Saleh cũng đã thảo luận với ông Zarif về “sự cần thiết nhằm ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh hoặc sự leo thang”.
Iraq phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và đề nghị làm trung gian hòa giải nhằm làm giảm căng thằng hiện nay giữa 2 đồng minh chính của nước này. Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Iraq Mohammed al-Hakim đưa ra ngày 26/5 trong cuộc họp báo tại Baghdad với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đang ở thăm nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng al-Hakim cho biết Iraq đang nỗ lực trợ giúp và sẽ là nhà trung gian hòa giải giữa Mỹ-và Iran nhằm đạt được một giải pháp thỏa đáng.
Theo ông, Iraq sát cánh cùng nước láng giềng Iran, đồng thời nhấn mạnh phong tỏa kinh tế là biện pháp "vô dụng" và gây tổn hại nặng nề đối với người dân Iran. Do đó, Baghdad phản đối biện pháp này cũng như các biện pháp đơn phương mà Washington áp đặt đối với Tehran.
Về phần mình, Ngoại trưởng Zarif khẳng định mong muốn của Iran thiết lập quan hệ cân bằng với các nước láng giềng Arab vùng Vịnh, theo đó đưa ra đề xuất ký kết hiệp ước không tấn công nhau với các quốc gia Arab tại vùng Vịnh. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nước châu Âu nỗ lực hơn nữa để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.
Cùng ngày, Văn phòng truyền thông của Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbousi ra tuyên bố cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran, Chủ tịch Quốc hội Iraq khẳng định mong muốn của Baghdad đóng vai trò nòng cốt trong việc giảm căng thẳng giữa Tehran và Washington nhằm tránh nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng Zarif cũng nêu rõ Iran không muốn xảy ra bất kỳ cuộc leo thang quân sự nào và Tehran sẵn sàng chấp nhận bất kỳ sáng kiến nào có thể giảm căng thẳng. Ngoại trưởng Iran Zarif đã đến thủ đô Baghdad chiều 25/5, gặp Thủ tướng nước chủ nhà Adel Abdul Mahdi và Tổng thống Barham Salih, thảo luận các mối quan hệ song phương và tình hình khu vực.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Tehran căng thẳng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5/2018 đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và tái áp đặt trừng phạt Iran.
Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu thô của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) vốn hết hiệu lực hồi đầu tháng này.
Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự hạng nặng, trong đó có các máy bay ném bom và hàng không mẫu hạm tới Trung Đông, động thái mà Washington tuyên bố là để đối phó với những mối đe dọa từ Iran. Ngày 15/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhân viên không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán ở Baghdad và Lãnh sự quán tại Erbil rời Iraq.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực, Thủ tướng Iraq Mahdi cho biết nước này sẽ cử các phái đoàn đến Mỹ và Iran nhằm làm giảm căng thẳng.
Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran ngày 26/5 đưa tin Tổng thống nước này Hassan Rouhani đã đề cập Tehran có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về chương trình hạt nhân của nước này.
Theo IRNA, Tổng thống Rouhai đề cập vấn đề trên trong cuộc gặp với các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí lớn của Iran ngày 25/5. Theo đó, ông Rouhani cho biết năm 2004, thời điểm ông giữ cương vị nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran, ông đã đề xuất với Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân và Đại giáo chủ Khamenei đã chấp nhận ý tưởng này.
Tổng thống Rouhani nhấn mạnh dù đã không có cuộc trưng cầu ý dân nào được tổ chức, song một cuộc bỏ phiếu như vậy "có thể là một giải pháp bất cứ lúc nào". Hiện Đại giáo chủ Khamenei chưa đưa ra bình luận nào về ý kiến trên của Tổng thống Rouhani.
Advertisement
Advertisement