13/05/2019 08:36
Iran có thể "sống sót" 18 tháng nữa cho đến bầu cử tổng thống Mỹ?
Iran và Mỹ đang tham gia một cuộc chạy đua chiến lược với những mục tiêu hoàn toàn đối lập nhưng lại có chung một thời hạn, đó là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Đối với Iran, đây là một cuộc đua sống còn để chính quyền có thể đảm bảo vẫn nắm giữ được quyền lực và đập tan mọi âm mưu của Mỹ muốn thay đổi chế độ Tehran thông các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào cả chính phủ lẫn người dân Iran.
Chế độ Iran hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thua trong cuộc bầu cử vào năm 2020 và người thay thế ông thuộc đảng Dân chủ sẽ quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Trump áp đặt với Iran.
Iran có thể "sống sót" 18 tháng nữa cho đến bầu cử Mỹ? |
Đối với Trump và nhóm nòng cốt chống Iran của ông, đây là cuộc chạy đua tái cử để thay đổi hoàn toàn hoặc ít nhất là kiềm chế “mối đe dọa nguy hiểm” mà Iran tạo ra cho khu vực này và đặc biệt là cho Mỹ, Israeli, Saudi Arabia cũng như các lợi ích quốc gia vùng Vịnh. Đầu tuần này, Mỹ thông báo sẽ triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công tới Trung Đông để đối phó với mối đe dọa Iran.
Trong nhiệm kỳ của mình, Trump thực sự muốn đạt được ít nhất một trong 3 mục tiêu an ninh chiến lược để chứng minh phẩm chất quốc tế của ông trước người dân ở trong và ngoài nước. Iran là một mục tiêu, phi hạt nhân hóa Triều Tiên và hòa giải ở Afghanistan là những mục tiêu khác. Ít nhất Mỹ cũng có thể đối thoại với Triều Tiên và Taliban, dù khó khăn. Tuy nhiên, Iran là một thách thức lớn hơn nhiều.
Đến nay, Iran không sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại vì Mỹ đã rút khỏi JCPOA. Một khi Trump không trở lại JCPOA hay xem xét gỡ bỏ cấm vận Iran thì bế tắc không có lối thoát. Trong bối cảnh này, Trump không có động lực nào ngoài việc phải cứng rắn với Tehran. Ví dụ, trong tuần này, Trump đã tăng cường sức ép thông qua các trừng phạt mới đối với ngành công nghiệp kim loại của Iran.
Iran có thể "sống sót" 18 tháng nữa cho đến bầu cử Mỹ? Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang làm tổn thương nền kinh tế Iran và tác động sẽ còn nghiêm trọng hơn khi nó ảnh hưởng toàn diện tới chính sách không được nhập khẩu dầu của Iran mà Trump đã áp đặt và có hiệu lực từ ngày 2/5. Liệu chính phủ Iran có thể kiềm chế sự bất ổn gia tăng ở trong nước do khó khăn kinh tế hay không?
Một số nước có thể không tuân thủ lệnh cấm của Trump và tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran. Trung Quốc và Ấn Độ là những nước có khả năng làm việc này nhất. Iran có thể tiếp tục “phá vỡ” các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ thông qua thương mại “vùng xám” và công cụ mới trong hỗ trợ giao dịch thương mại được thiết lập bởi Anh, Pháp và Đức để tạo điều kiện cho hoạt động ngoại thương một cách hợp pháp và bỏ qua hệ thống tài chính Mỹ. Những điều này sẽ giúp Tehran tồn tại?
Iran tìm mọi cách để xuất khẩu dầu mỏ. |
Nhiều nguồn tin cho rằng điều này là có thể. Các chính sách của Trump đã đẩy những người bảo thủ và ôn hòa ở Iran đến gần một quan điểm chung, đó là chống Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có những chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái về việc Iran nên giải quyết vấn đề này như thế nào. Theo một số nguồn tin, việc Ngoại trưởng Javad Zarif từ chức hồi tháng 2 vừa qua đã phản ánh điều này.
Mặc dù Tổng thống Hassan Rouhani từ chối đơn từ chức của ông, song Zarif đã tạo ra những kẻ thù trong nhóm bảo thủ, bao gồm cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, khi phản đối mạnh mẽ những chính sách và việc làm mà ông cho là hành động khiêu khích không cần thiết. Những hành động này bao gồm đe dọa nối lại việc sản xuất urani được làm giàu, mặc dù vẫn còn thiếu nhiên liệu chế tạo vũ khí.
Zarif cũng tỏ ra hết sức lo ngại về việc phỏng thử tên lửa từ tàu hải quân Iran gần tàu chiến Mỹ, củng cố các lực lượng ở miền Nam Syria, bao gồm hỗ trợ cho Hezbollah và khả năng về một mặt trận thứ hai chống Israel, và những lời đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz nếu các tàu chở dầu của Iran bị cản trở. Rất nhiều lời đe dọa của Iran là thực sự nghiêm trọng mà Mỹ và Israel cần phải đối phó, nhưng bất kỳ tính toán sai lầm nào có thể nhanh chóng dẫn tới những thù địch leo thang.
Zarif đã đưa ra quan điểm của mình, nhắc lại trong một tuyên bố mang tính hòa giải mà ông đưa ra hôm 1/3, trong đó công nhận tầm ảnh hưởng của những người bảo thủ như chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Qassem Soleimani, người chịu trách nhiệm triển khai các lực lượng Iran và hỗ trợ dân quân ở Syria, Iraq, Yemen và Libăng.
Mặc dù cả Iran và Mỹ lâm vào bế tắc, song các bên liên quan lo ngại rằng nếu chế độ Tehran sống sót và Trump tái cử tổng thống, điều đó sẽ khiến ông ta đẩy mạnh chiến dịch chống Iran, theo TTXVN.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp