21/03/2019 18:41
Indonesia tiết lộ đoạn ghi âm buồng lái vụ rơi máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air
Đoạn ghi âm phản ánh rõ trạng thái hoảng loạn trong buồng lái trong 20 giây cuối cùng trước khi máy bay lao xuống biển.
Ngày 21/3, các nhà điều tra vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air (Indonesia) xảy ra hồi tháng 10/2018 cho biết các dữ liệu ghi âm buồng lái thu thập được cho thấy các phi công đã cố gắng tìm thông tin trong sách hướng dẫn điều khiển và gặp phải những vấn đề về tốc độ cũng như độ cao của máy bay.
Các chi tiết được thông báo trong cuộc họp báo ngày 21/3 trùng khớp với các thông tin hãng Reuters (Anh) đã đưa ra hôm 20/3 dựa trên 3 nguồn tin nắm được nội dung ghi âm buồng máy.
Các nhà điều tra cho biết họ đã thu được 90% dữ liệu cần thiết để đưa ra báo cáo cuối cùng về vụ tai nạn hàng không thảm khốc với máy bay của hãng Lion Air hồi tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng.
Bản báo cáo kết luận chính thức dự kiến được công bố vào tháng 8 tới. Điều tra viên của Ủy ban Giao thông quốc gia Indonesia (KNKT) Nurcahyo Utomo cho biết đoạn ghi âm phản ánh rõ trạng thái hoảng loạn trong buồng lái trong 20 giây cuối cùng trước khi máy bay lao xuống biển.
Thời diểm đó, người phi công thực sự hiểu không còn cơ hội cứu vãn chuyến bay và bắt đầu hoảng loạn. Tuy nhiên, nhân viên điều tra không tiết lộ danh tính của phi công này. Sau khi vụ tai nạn thương tâm tiếp theo xảy ra với mẫu máy bay Boeing 737 Max 8 hôm 10/3 vừa qua với một chuyến bay của Ethiopia Airlines khiến hơn 150 người khác thiệt mạng, công tác điều tra vụ rơi máy bay của Lion Air được đẩy nhanh tốc độ.
Hôm 19/3, Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA) cho biết các dữ liệu ghi âm chuyến bay cho thấy có nhiều điểm chung về nguyên nhân dẫn tới hai vụ tai nạn. Hiện các nhà điều tra vụ tai nạn của Lion Air đang xem xét cách thức hệ thống điều khiển ra lệnh cho máy bay chúi đầu xuống đất dựa trên dữ liệu cảm biến lỗi và liệu các phi công đã được tập huấn đầy đủ để có thể phản ứng tức thời khi gặp sự cố hay không.
Trong khi đó cũng tại cuộc họp báo trên, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Indonesia Soerjanto Tjahjono xác nhận trong chuyến bay đêm trước đó, cũng trên chiếc máy bay gặp nạn, có sự hiện diện của người phi công thứ ba.
Chính người này đã giúp khắc phục kịp thời lỗi tương tự và cứu máy bay khỏi tình trạng nguy hiểm, điều mà những người đồng nghiệp trong chuyến bay sau đó không làm được và dẫn tới thảm kịch. Ông cho biết viên phi công này có chứng chỉ lái Max 8, cùng 2 phi công trong tổ bay ngày 28/10, đã xử lý thành công sự cố tương tự trong chuyến bay từ sân bay Denpasar ở Bali tới Jakarta.
Ủy ban đã phỏng vấn viên phi công này nhưng chưa thể chính thức công bố nội dung phỏng vấn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp