21/09/2016 07:35
Học ngoại ngữ phải là một nhu cầu tự thân
Ngoại ngữ là một kỹ năng quan trọng trong thời đại mới. Do đó việc tăng cường công tác đào tạo ngoại ngữ sao cho đảm bảo chất lượng là một trong những yêu cầu tất yếu được đặt ra. Để trở thành một công dân toàn cầu, việc học ngoại ngữ phải như một nhu cầu tự thân của toàn xã hội.
Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2
Vừa qua, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ (NN) trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”.
Theo đó mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% GV ngoại ngữ các cấp học phổ thông đạt chuẩn quy định theo khung năng lực ngoại ngữ (NLNN) 6 bậc dùng cho Việt Nam, 60% học sinh trường trung cấp.Bên cạnh đó chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12) phải được nâng cao; chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông được triển khai, đến năm học 2020 - 2021, 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh lớp 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm).
Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. Bộ GDĐT cũng cho hay từ 2020 - 2025 cần phải từng bước phổ cập giáo dục tiếng Anh các cấp học, tiến tới đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam.
Tuy nhiên khá nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại và lo lắng về mục tiêu trên do đề án này đã ngốn một khoản kinh phí khổng lồ trong giai đoạn 1 mà không đạt được kết quả như mong muốn.
Trao đổi với PV Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Để thực hiện được những mục tiêu nói trên cần phải có một sự quyết tâm hành động, kiên trì và nỗ lực của toàn hệ thống. Nếu việc dạy và học ngoại ngữ thực hiện một cách hời hợt, đánh trống bỏ dùi, nói không đi đôi với làm thì rất khó đạt được mục tiêu phổ cập tiếng Anh các cấp học và xa hơn là mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2.
Để thực hiện mục tiêu này cần phải có một lộ trình cụ thể, từng bước, tiến hành phân các vùng đối tượng, tạo môi trường học ngoại ngữ, xóa nạn mù chữ tiếng Anh một cách cơ bản, kiểm tra trình độ giáo viên giảng dạy, từng bước tiến hành dạy một số môn khoa học bằng tiếng Anh khi đảm bảo điều kiện”.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá đề án 2020 là xương sống kiến tạo môi trường dạy và học ngoại ngữ chất lượng hơn. Phải có lộ trình cụ thể và những quyết tâm thực hiện ngay từ bây giờ, nếu không sẽ rất khó đạt được mục tiêu. “Singapore mất gần 40 năm để thực hiện phổ cập toàn dân sử dụng được tiếng Anh.
Chúng ta không thể nhanh vội trong vòng 5 - 10 năm được mà phải làm dần dần, tránh đi nhanh nhưng không đúng hướng khiến dư luận bức xúc, vì giáo dục là phải tạo sự tin cậy và yên tâm khi đổi mới”.
Tăng cường công tácđào tạo ngoại ngữ
Theo BQL đề án 2020, lộ trình đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Song song với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất.
Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.
TS. Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHNN - ĐHQGHN cho rằng công tác bồi dưỡng giáo viên phải được tiến hành thường xuyên trong suốt năm học, việc bồi dưỡng giáo viên phải đảm bảo tính hệ thống, có tính ứng dụng thực tế và phải đảm bảo tính hiệu quả.
GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho hay: “Một nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải đào tạo đội ngũ lao động Việt Nam có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, một cách thành thạo, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Ngoại ngữ là một kỹ năng quan trọng trong thời đại mới. Do đó việc tăng cường công tác đào tạo ngoại ngữ sao cho đảm bảo chất lượng là một trong những yêu cầu tất yếu được đặt ra”.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Cần tập trung vào 8 nội dung chính đối với đội ngũ giáo viên, đối với người học, về học liệu, về khảo thí, về tài chính, về chính sách, về truyền thông và cơ sở dữ liệu, và tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý.
Trong đó, từng nội dung có phụ lục cụ thể, được trình bày theo khung logic với các mục công việc, mục tiêu, sản phẩm, người thực hiện, người phối hợp theo lộ trình từng năm. Lộ trình bước đi như thế nào phải tính toán, trong điều kiện hiện nay chúng ta chỉ nhìn năm 2025, trước mắt là 2020 cho tốt. Từ đó nhân lên và cuối cùng được mục tiêu để phấn đấu. Tôi muốn làm sao chúng ta tạo được một xu thế toàn xã hội học tiếng Anh như một nhu cầu tự thân”.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp