Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Hiệu ứng Trump' bắt đầu định hình nền kinh tế Mỹ

Kinh tế thế giới

17/07/2025 12:02

Sáu tháng sau khi trở lại Nhà Trắng, chính sách thuế quan và nhập cư của Tổng thống Trump bắt đầu tạo sóng: lạm phát leo thang, thị trường lao động biến động. Tác động sâu rộng sẽ đến đâu?

Theo Wall Street Journal ngày 16/7, những chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là thuế quan và kiểm soát nhập cư, đang bắt đầu cho thấy những tác động rõ rệt lên nền kinh tế Mỹ.

Dữ liệu mới nhất phản ánh sự gia tăng lạm phát và áp lực lên thị trường việc làm, đánh dấu một giai đoạn mới sau thời kỳ các chính sách này dường như chưa để lại nhiều dấu ấn trên các số liệu kinh tế cứng.

Trong sáu tháng trở lại nhiệm sở, cơn lốc chính sách của Tổng thống Trump đang thể hiện rõ nét. Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã vượt qua các cuộc chiến thương mại trước đây tốt hơn nhiều so với lo ngại của giới chuyên gia, và nguy cơ suy thoái hiện nay được đánh giá thấp hơn so với ba tháng trước theo khảo sát của Wall Street Journal, nhưng những thay đổi nội tại đang dần xuất hiện theo những cách khó lường.

'Hiệu ứng Trump' bắt đầu định hình nền kinh tế Mỹ- Ảnh 1.

Giá cả leo thang, lực lượng lao động suy giảm – các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump đang vẽ lại bức tranh kinh tế Mỹ theo cách không dễ đoán định (trong ảnh: Cảng container hàng hoá ở Los Angeles, California, Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Lạm phát gia tăng từ thuế quan

Một trong những dấu hiệu đáng chú ý nhất là sự gia tăng của lạm phát. Dữ liệu lạm phát tháng 6 vừa được công bố cho thấy mức tăng hàng năm gần với dự báo của các nhà kinh tế là 2,7%. 

Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại nằm ở việc giá cả các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt như đồ nội thất và quần áo tại Mỹ đã tăng vọt. Đây là một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy thuế quan đang bắt đầu "có tác dụng", và nhiều nhà kinh tế dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới.

Theo phân tích của ngân hàng đa quốc gia UBS, chi phí cho các mặt hàng thiết yếu, không bao gồm ô tô, đã tăng với tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong 3 năm qua. Các nhà phân tích tại ngân hàng này dự đoán rằng, trừ khi có suy thoái kinh tế hoặc thuế quan được điều chỉnh, lạm phát chung sẽ không giảm xuống mức 2,3% của tháng 4 từ nay đến cuối năm 2027. 

Ông Omair Sharif, người sáng lập và chủ tịch của Inflation Insights, nhận định: "Báo cáo hôm nay cho thấy thuế quan đang bắt đầu có hiệu ứng".

'Hiệu ứng Trump' bắt đầu định hình nền kinh tế Mỹ- Ảnh 2.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Mỹ tăng tốc trong tháng thứ hai liên tiếp lên 2,7% vào tháng 6/2025, mức cao nhất kể từ tháng 2, tăng từ 2,4% vào tháng 5 và phù hợp với dự báo.

Tác động đầy đủ của thuế quan có thể chưa được cảm nhận ngay lập tức do các nhà nhập khẩu đã tích trữ hàng hóa từ trước, thời gian vận chuyển dài và các thỏa thuận thất thường của ông Trump. 

Tuy nhiên, theo Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, tính đến hôm 13/7 vừa qua, người Mỹ phải đối mặt với mức thuế quan thực tế trung bình là 20,6%, mức cao nhất kể từ năm 1910. Phòng thí nghiệm này dự đoán mức tăng giá do đó có thể tương đương với khoản giảm 2.800 USD trong thu nhập hộ gia đình hàng năm.

Không chỉ hàng tiêu dùng, giá các đầu vào kinh tế quan trọng như thép và nhôm cũng đã tăng vọt. Giá đồng thậm chí còn đạt kỷ lục sau khi ông Trump công bố mức thuế 50% đối với hàng nhập khẩu bắt đầu từ ngày 1/8 tới, dự báo sẽ làm tăng chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu, nhà ở và chất bán dẫn. 

Giáo sư kinh tế Isabella Weber từ Đại học Massachusetts Amherst, cảnh báo rằng sự chắc chắn về mức thuế quan cuối cùng có thể tạo điều kiện cho nhiều công ty tăng giá mà không mất thị phần.

Thị trường lao động chịu áp lực

Bên cạnh lạm phát, những rạn nứt cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường lao động. Mặc dù dữ liệu về lực lượng lao động bất hợp pháp không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, nhưng tăng trưởng việc làm dường như đã chậm lại trong các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư.

'Hiệu ứng Trump' bắt đầu định hình nền kinh tế Mỹ- Ảnh 3.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm nhẹ xuống còn 4,1% vào tháng 6/2025 từ mức 4,2% trong tháng 5, trái ngược với kỳ vọng của thị trường về mức tăng lên 4,3%.

Lực lượng lao động sinh ra ở nước ngoài đã giảm đáng kể kể từ tháng 3 năm nay, và những người nhập cư gần đây dường như ít tham gia vào cuộc khảo sát hộ gia đình hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ.

Mặc dù người Mỹ vẫn đang chi tiêu và các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục tạo thêm việc làm – với một số ngân hàng lớn nhất Mỹ báo cáo thu nhập quý tốt hơn dự kiến – câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này có duy trì được bao lâu.

Về triển vọng kinh tế

Các quan chức Nhà Trắng đã phản đối quan điểm cho rằng các nhà nhập khẩu cuối cùng sẽ chuyển thuế quan sang người tiêu dùng. Tổng thống Trump, trong một bài đăng trên mạng xã hội sau báo cáo lạm phát, mô tả lạm phát là "rất thấp" và một lần nữa kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất. 

Alan Cole, nhà kinh tế cấp cao tại Tax Foundation, cho rằng dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ mà Đảng Cộng hòa vừa thông qua cũng có thể hỗ trợ tăng trưởng ở một số khía cạnh, bao gồm việc cho phép các doanh nghiệp chi trả cho các khoản đầu tư mới. Chuyên gia Cole nhận định: "Nền kinh tế có nhiều khả năng duy trì [hiệu suất chung], ngay cả khi có chính sách kém hiệu quả ở đâu đó".

Về chi tiêu tiêu dùng, các ngân hàng lớn và công ty tín dụng gần đây đã báo cáo những dấu hiệu cho thấy chi tiêu yếu kém ở nhóm người Mỹ có thu nhập thấp, tiếp nối xu hướng từ những năm gần đây. Tuy nhiên, điều này có lẽ không đủ để làm chậm lại nền kinh tế Mỹ nói chung, khi giới nhà giàu đang tận hưởng thị trường chứng khoán phá kỷ lục và thúc đẩy chi tiêu chung. 

'Hiệu ứng Trump' bắt đầu định hình nền kinh tế Mỹ- Ảnh 4.

Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm với tốc độ hàng năm là 0,5% trong quý 1/2025, mức giảm mạnh hơn so với ước tính thứ hai là giảm 0,2% và là quý đầu tiên suy giảm trong ba năm.

Giám đốc Tài chính JPMorgan, Jeremy Barnum, khẳng định trong cuộc họp báo cáo thu nhập: "Chúng tôi vẫn đang rất khó để nhận thấy dấu hiệu suy yếu ở khách hàng. Về cơ bản, người tiêu dùng dường như vẫn ổn".

Trong bối cảnh đó, mặc dù lạm phát dịch vụ đã giảm nhẹ, đặc biệt là đối với nhà ở, và giá vé máy bay, khách sạn ở mức thấp – có thể là dấu hiệu cho thấy một số hộ gia đình đang hạn chế đi lại – điều này có thể khiến Fed kết luận rằng nhu cầu yếu sẽ ngăn chặn thuế quan gây ra lạm phát lan tỏa, và do đó có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Nhìn chung, "hiệu ứng Trump" đang dần định hình lại bức tranh kinh tế Mỹ, đặt ra những thách thức mới về lạm phát và thị trường lao động, trong khi khả năng phục hồi tổng thể của nền kinh tế vẫn là một ẩn số cần thời gian để trả lời.

VŨ THANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement