Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hành động trả đũa của Iran có thể được thực hiện từ Liban

Phân tích

03/01/2020 20:35

Nhiều chuyên gia cho rằng, hành động trả đũa đối với vụ ám sát Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani rất có thể sẽ được thực hiện từ Liban.

Nhà phân tích chính trị Youssef Diab nhận định: "Vụ ám sát ông Soleimani là một hành động leo thang rất nghiêm trọng và tôi lo ngại rằng sự trả đũa sẽ xảy ra từ Liban thông qua phong trào Hezbollah, tổ chức hiện có lý do vững chắc để tấn công Israel… Chính đảng Hồi giáo Shiite này theo đuổi chương trình nghị sự của Iran".

Trong khi đó, ông Sami Nader - Giám đốc Viện các vấn đề chiến lược Levant ở Liban cho rằng: "Ông Soleimani có ảnh hưởng lớn ở Liban thông qua Hezbollah".

Theo chuyên gia này, sự trả đũa rất có thể được thực hiện từ Liban bởi Hezbollah có quyền lực lớn ở quốc gia Trung Đông này và lịch sử cho thấy Washington đã bị nhóm Hồi giáo Shiite nhắm đến trong quá khứ ở Liban bằng cách tấn công Đại sứ quán và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.

 Những người biểu tình ở Iran biểu tình về cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giết chết Soleimani. Ảnh: AP

Những người biểu tình ở Iran biểu tình về cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giết chết Soleimani. Ảnh: AP

Ông Nader không chắc chắn về cách thức và thời gian Iran đánh trả, song chắc chắn là Tehran sẽ thực hiện hành động như vậy để bảo vệ hình ảnh của nước này. Ông Nader nói: "Những cuộc đàm phán cũng thể theo sau một cuộc tấn công bởi vì cả hai bên đều có lợi ích trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình".

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Liban ngày 3/1 đã kêu gọi nước này và khu vực tránh mọi hậu quả từ cuộc không kích của Mỹ. Bộ Ngoại giao Liban cũng đã lên án vụ sát hại Tướng Soleimani, đồng thời cho rằng đó là một hành vi xâm phạm chủ quyền của Iraq và là một hành động leo thang nguy hiểm chống lại Iran.

Ngày 3/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington kiên quyết "giảm leo thang" sau vụ không kích của Mỹ ở Baghdad tiêu diệt Tư lệnh đơn vị Quds, Thiếu tướng Qasem Soleimani. Trên trang mạng Twitter, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về vụ việc.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố vụ tấn công là hợp pháp. Theo nhà ngoại giao Mỹ, Washington không tìm kiếm chiến tranh với Iran và đã dốc sức để bảo vệ các tài sản của Mỹ ở khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng đã cân nhắc nguy cơ bị Iran tấn công mạng.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng Mỹ có quyền tự vệ và "đây chính xác là những gì mà Mỹ đã làm" (ám chỉ vụ tấn công là để tự vệ). Trong tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel, ông Netanyahu nói: "Không chỉ Israel có quyền tự vệ mà Mỹ cũng có quyền này...".

Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tiến hành vụ không kích nói trên sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad, mà Mỹ cáo buộc do Iran đứng sau.

Cuộc không kích đã làm Thiếu tướng Qasem Soleimani và một chỉ huy của lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq, Abu Muntathar al-Hussaini thiệt mạng.

Thiếu tướng Qasem Soleimani.
Thiếu tướng Qasem Soleimani.

Ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết một nhà ngoại giao nước này đã chuyển thông điệp của Mỹ tới Iran liên quan tới vụ không kích nói trên. Theo bộ trên, đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Iran đã được thông báo về lập trường của Tehran và đã chuyển đi thông điệp của Washington.

Hiện Thụy Sĩ là nước đại diện cho các quyền lợi của Mỹ tại Iran, cho phép hai nước duy trì kênh liên lạc ngoại giao.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ Dầu mỏ Iraq xác nhận, một số công dân Mỹ làm việc cho các công ty dầu khí nước ngoài ở thành phố dầu mỏ Basra đang rời đi sau khi Washington hối thúc các công dân của mình rời khỏi Iraq.

Tuyên bố của bộ trên cho hay, các mỏ dầu trên toàn Iraq đang hoạt động bình thường, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cũng không bị ảnh hưởng. Ngoài các công nhân Mỹ, mọi công dân nước ngoài khác đều không rời khỏi các cơ sở dầu mỏ ở quốc gia Trung Đông này.

Trong một động thái khác, Bộ Ngoại giao Hà Lan cùng ngày cũng yêu cầu các công dân nước này rời khỏi thủ đô Baghdad "nếu hành động đó có thể được thực hiện theo cách an toàn". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hà Lan nhấn mạnh: "Tình trạng bất ổn và bạo lực đang gia tăng ở Baghdad và xung quanh sân bay. Tình hình hiện nay là không thể dự đoán được".

Nhiều nước đã chỉ trích vụ không kích của Mỹ, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq và đẩy khu vực Trung Đông vào tình thế nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ đây là một bước đi mạo hiểm làm tổn hại hòa bình và ổn định, sẽ làm gia tăng căng thẳng trong toàn khu vực.

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement