16/02/2023 09:21
Hàng loạt ví điện tử, ngân hàng, sàn thương mại điện tử lớn liên tục bị giả mạo
Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 2, đã có 166 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng internet Việt Nam thông báo về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Theo số liệu từ các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), ngày càng có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, ví điện tử, trang thương mại điện tử…
Riêng tuần đầu tháng 2, có tới 422 trường hợp tấn công vào trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam. Trong đó, 30 trường hợp tấn công thay đổi giao diện, 362 trường hợp tấn công lừa đảo, 30 trường hợp tấn công cài cắm mã độc, theo Dân trí.
Các chuyên gia tại đây lưu ý người dùng cần nâng cao cảnh giác với các trường hợp website lừa đảo giả mạo ví điện tử Momo; website ngân hàng như: Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki…
Bên cạnh đó còn xuất hiện các website lừa đảo giả mạo các doanh nghiệp lớn như: Công ty CP viễn thông FPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Lotte… và hàng loạt các trang web lừa đảo khác.
Trong tháng 1/2023, hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng nhận được hàng trăm phản ánh trường hợp lừa đảo từ người dùng trong đó có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử…
Theo ghi nhận của hệ thống, từ đầu năm 2023 đến nay có gần 1.600 dữ liệu website lừa đảo liên quan đến ứng dụng vay tiền, giả mạo ngân hàng, tín dụng, siêu khuyến mãi, nhận quà tặng, các trang, sàn thương mại điện tử. Trong đó riêng những ngày đầu tháng 2/2023 đã ghi nhận gần 500 dữ liệu.
Trong số hơn 15,5 nghìn dữ liệu website lừa đảo do do dự án chống lừa đảo cập nhật từ giữa năm 2021 đến tháng 2/2023, có tới gần 76% là các trang scam lừa đảo tiền, tiếp đó khoảng 18,5% là lừa đảo lấy thông tin (phishing). Còn lại là các website lừa nội dung xấu, đường dẫn nguy hiểm và giả mạo lừa đảo...
Trước đó, trong tháng 12/2022, hệ thống cảnh báo do Trung tâm quản lý đã nhận được hơn 1.100 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp nghi ngờ lừa đảo. Qua kiểm tra và phân tích, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử, theo VnEconomy.
Các chuyên gia cũng nêu ra một số trang web giả mạo mà người dùng tuyệt đối không truy cập như la7168.com (giả mạo sàn thương mại điện tử Lazada); vebo1s.co, clmm.nl, giaitrimomo.net (giả mạo ví điện tử MoMo); shopee.ccooppcc.online (giả mạo sàn thương mại điện tử Shopee); lottehanoi.com.vn (giả mạo website Lotte)…
Theo chuyên gia an ninh mạng tại NCSC Ngô Minh Hiếu, các doanh nghiệp lớn thường xuyên bị lợi dụng vì đã có uy tín sẵn trước. Điều này khiến các đối tượng chỉ cần giả mạo logo, thương hiệu, giấy phép kinh doanh và tạo dựng website có tên miền gần giống với tên thương hiệu đó là đã có thể đi lừa người khác. "Họ cũng sẽ chuẩn bị kèm một kịch bản lừa đảo hoàn chỉnh để người dùng nhấn vào các link lừa đảo", ông Hiếu cho hay.
Việc đánh cắp tài khoản bằng việc tạo các trang web hay phần mềm giả mạo đánh lừa nạn nhân đăng nhập là hình thức đã được giới tội phạm công nghệ áp dụng từ nhiều năm qua.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, nếu người dùng ấn vào đường link thường thì sẽ không chịu tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trường hợp link đó là mã độc, chứa virus thì nguy cơ cao sẽ bị nhiễm mã độc virus vào máy. "Tốt nhất không nên nhấn vào những đường link mà bạn cảm thấy nghi ngờ", chuyên gia nói thêm.
Chuyên gia cảnh báo nếu người dùng lỡ ấn vào, tuyệt đối không nên tải gì trên đường link đó. Người dùng được khuyên nên thoát ngay lập tức, để tránh nguy hiểm cho các tài khoản đăng nhập thì nên đổi mật khẩu thiết bị, tài khoản mạng xã hội, email... và luôn phải bảo mật 2 bước cho các tài khoản online của mình.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng các hoạt động online của người dùng trên không gian mạng, các hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng cũng trở nên phổ biến hơn. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, đối tượng lừa đảo đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Các chuyên gia cho biết phương thức lừa đảo đa phần là giả mạo các trang sàn giao dịch mua bán đầu tư tài chính, tiền ảo và cờ bạc trái phép. Đặc biệt chiêu trò, cộng tác viên lừa đảo, bằng cách giả mạo thương hiệu các trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và nước ngoài để dẫn dụ đầu tư, gây thiệt hại tài chính cho người dùng.
Theo thống kê, hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất là giả mạo thương hiệu, chiếm 72,6%; giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm 11,4%; còn lại là lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay...
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement