29/07/2024 09:15
Hàn Quốc trở thành 'vương quốc' của cửa hàng tiện lợi
Hàn Quốc đã trở thành 'ông vua' toàn cầu về các cửa hàng tiện lợi cả trực tuyến và ngoại tuyến, với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và khách du lịch cùng người dân địa phương đổ xô đến các cửa hàng đang phát triển nhanh chóng trên khắp Hàn Quốc.
Cửa hàng đa năng
Ở hầu hết các nơi, bạn cần lấy một gói hàng, nạp tiền vào thẻ tàu điện ngầm, mua bữa trưa và rút tiền mặt phải đi đến bưu điện, ga tàu điện ngầm, nhà hàng và máy ATM. Nhưng ở Hàn Quốc, tất cả những điều đó đều có thể thực hiện tại cửa hàng tiện lợi gần nhất, và bạn sẽ không cần phải đi xa để tìm một cửa hàng.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Cửa hàng Tiện lợi Hàn Quốc, đến cuối năm ngoái quốc gia 52 triệu dân này đã có hơn 55.200 cửa hàng tiện lợi, cứ khoảng 950 người thì có 1 cửa hàng.
Con số này lớn hơn tổng số chi nhánh McDonald's trên toàn thế giới và giúp Hàn Quốc có mật độ cửa hàng trên đầu người cao nhất, vượt qua Nhật và Đài Loan, cả 2 nước này đều nổi tiếng với các cửa hàng tiện lợi đa dạng và phong phú.
Khác xa với những nơi như Mỹ, nơi các cửa hàng tiện lợi thường được gắn liền với các trạm xăng hoặc trung tâm thương mại và hiếm khi xuất hiện ở các khu dân cư, một phần là do luật phân vùng. Ở các thành phố lớn của Hàn Quốc như Seoul, các cửa hàng tiện lợi có mặt ở mọi góc phố, đôi khi có nhiều cửa hàng từ các công ty cạnh tranh nằm rải rác trên cùng một con phố.
"Các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24 giờ một ngày và đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, ngành công nghiệp Hàn Quốc là câu chuyện thành công toàn cầu", ông Chang Woo-cheol, Giáo sư ngành du lịch và dịch vụ thực phẩm Đại học Kwangwoon, Seoul.
Có một số điểm khiến các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc trở nên khác biệt. Đầu tiên, họ là một cửa hàng cung cấp mọi thứ từ thực phẩm và đồ uống đến hàng gia dụng và dịch vụ phong cách sống. Tại các cửa hàng này, khách hàng có thể sạc điện thoại, thanh toán hóa đơn tiện ích, rút tiền mặt, đặt hàng trực tuyến và nhận hàng. Và tại một số địa điểm nhất định, thậm chí sạc xe tay ga điện, đổi ngoại tệ và gửi thư quốc tế.
Deloitte Korea cho biết, trong báo cáo năm 2020, mô tả các cửa hàng ở quốc gia này là chiều chuộng khách hàng bằng sự tiện lợi tối đa. Nơi mọi người có thể ngồi uống bia và cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Khu thực phẩm gồm rất nhiều loại từ súp miso ăn liền đến mì cốc với đủ mọi hương vị, đồ ăn nhẹ như kimbap và onigiri, và các suất ăn chế biến sẵn.
Kết hợp với khu vực chỗ ngồi trong cửa hàng, lò vi sóng và máy nước nóng, những cửa hàng này đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhân viên văn phòng muốn ăn trưa nhanh, những người cần nạp năng lượng vào đêm khuya và sinh viên cần nạp năng lượng trước những lớp học căng thẳng ở trường.
Chuyên gia ngành khách sạn tại nước này cho biết nhu cầu đã tăng vọt trong những năm qua khi Hàn Quốc đô thị hóa. Hơn 80% dân số hiện sống ở các trung tâm đô thị, nhiều cư dân rời khỏi vùng nông thôn để định cư ở các thành phố có nhịp độ phát triển nhanh.
Một yếu tố khác là nhân khẩu học, ngày càng ít người Hàn Quốc kết hôn hoặc lập gia đình, và thường có ngân sách eo hẹp hơn, do nhiều người trẻ tuổi đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế.
Theo báo cáo của McKinsey, tính đến năm 2021 có khoảng 35% hộ gia đình Hàn Quốc là cư dân độc thân. Cư dân độc thân hướng đến lựa chọn rẻ tiền, dễ dàng là các cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng trực tuyến. Báo cáo cho biết thêm rằng đại dịch COVID-19 đã góp phần vào xu hướng này khi mọi người thích đặt hàng trực tuyến hoặc mua hàng nhanh chóng từ các cửa hàng gần nhà.
Các công ty đã tận dụng nhu cầu cao này bằng cách mở cửa hàng một cách chiến lược bên trong các địa điểm kinh doanh hoặc không gian giải trí hiện có khác. Ví dụ, Seoul có các cửa hàng tiện lợi trong các quán karaoke và trung tâm nghệ thuật của thành phố, báo cáo của Deloitte cho biết.
Tất cả những điều này đã chuyển thành lợi nhuận khổng lồ, theo McKinsey từ năm 2010-2021 doanh thu của cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đã tăng vọt hơn 4 lần từ 5,8 tỷ USD lên 24,7 tỷ USD, vượt qua các siêu thị và cửa hàng bách hóa truyền thống.
Hiện tượng truyền thông xã hội
Những cửa hàng tiện lợi này không chỉ phổ biến trong đời thực mà còn thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, phản ánh hiện tượng toàn cầu mà nhiều người gọi là "làn sóng Hàn Quốc". Hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đã lan rộng khắp thế giới trong 2 thập kỷ qua, từ K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc đến các sản phẩm làm đẹp, thời trang và thực phẩm. Trong năm qua, sự ám ảnh toàn cầu đối với các mặt hàng Hàn Quốc đã chuyển sự chú ý sang các cửa hàng tiện lợi của đất nước này.
Tìm kiếm nhanh trên YouTube, TikTok hoặc Instagram sẽ thấy vô số video về các cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc. Trong các clip của những người có sức ảnh hưởng sẽ xuất hiện hình ảnh các trạm mì ăn liền trong cửa hàng, đánh giá đồ ăn nhẹ và đồ uống hoặc theo dõi các xu hướng trực tuyến như chỉ ăn đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi trong cả ngày. Những video này đã chứng minh được rằng chúng là một chiến lược hiệu quả cho những người sáng tạo ra.
Một nhà sáng tạo nội dung người Úc sinh ra tại Hàn Quốc - Jiny Maeng bắt đầu làm video về chủ đề này sau khi thấy các clip tương tự lan truyền trực tuyến. Chúng là nội dung được xem nhiều nhất của cô, với 3 video hàng đầu trên YouTube của cô đạt tổng cộng 76 triệu lượt xem và thêm vài triệu lượt xem trên cả TikTok và Instagram.
Giáo sư Chang cho biết, những video trực tuyến này đã giúp thúc đẩy sự phổ biến của các cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc. Sự kết hợp giữa tính khác biệt và tiếp thị hiệu quả thông qua phương tiện truyền thông xã hội đã thúc đẩy sự phổ biến.
Các công ty cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đã phát triển thành công đến mức họ thậm chí còn mở rộng ra nước ngoài. 3 trong số các thương hiệu lớn nhất - CU, GS25 và Emart24 hiện có cửa hàng ở một số khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam và Malaysia.
Ông thúc giục ngành công nghiệp này tiếp tục mở rộng bằng cách tận dụng mạng xã hội và ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc, ông nói thêm: "Hàn Quốc sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement