24/04/2020 17:54
Hai yếu tố và bốn trụ cột để kinh tế Việt Nam hồi phục thời kỳ hậu COVID-19
Nếu đại dịch dần được kiểm soát trong những tháng tới, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng nhờ các nền tảng mạnh mẽ.
Tính đến tháng 4/2020, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gây ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng cả về y tế lẫn kinh tế toàn cầu. Giữa bối cảnh ấy, Việt Nam nổi lên như một "tấm gương" trong công tác phòng, chống đại dịch.
Trả lời phỏng vấn trên TTXVN, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cho đến nay đã chứng minh được khả năng chống chịu của mình. Khả năng “đàn hồi” này được giải thích bởi hai yếu tố chính.
Hai yếu tố
Đầu tiên là sự chuẩn bị để sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp kịp thời nhằm ứng phó với đại dịch, ví dụ như đóng cửa trường học, bên cạnh việc thực hiện giãn cách xã hội và theo dõi sức khoẻ đối với những nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Kết quả là, với chỉ 268 ca dương tính với COVID-19 và không trường hợp nào tử vong vì dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả một cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Thứ hai, Việt Nam đang sở hữu nhiều nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có yếu tố kinh tế phát triển nhanh chóng, cùng cán cân tài khoản vãng lai và cán cân tài khoá lành mạnh.
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng nhờ các nền tảng mạnh mẽ. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế thông qua việc làm suy giảm cán cân thanh toán, gia tăng thâm hụt ngân sách và bất ổn tài chính.
Tuy nhiên, trên ba kênh này, ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam đang có những thế mạnh nhất định. Cán cân thanh toán của Việt Nam được vận hành dựa trên một nền tảng xuất khẩu mạnh mẽ, trong khi sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các kênh huy động vốn ngắn hạn là không cao, kể cả trong trường hợp sự tổn thương xảy đến trong các lĩnh vực du lịch, kiều hối và dòng vốn FDI.
Về mặt ngân sách, gia tăng thâm hụt ngân sách dự kiến có thể được bù đắp bằng các khoản vay bổ sung trên thị trường trong nước và quốc tế, bao gồm cả các tổ chức tài chính quốc tế. Ngoài ra, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài hơn dự kiến, "sức khỏe" ngành tài chính của Việt Nam vẫn được dự báo tích cực ngay cả khi một số ngân hàng có thể phải đối mặt với tình trạng nợ quá hạn gia tăng và mức lợi nhuận xuống thấp.
Trong khi những biện pháp đối phó của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế hết lời ca ngợi, có một điều ít được nhắc đến đó là các chính sách quản lý tài chính thận trọng của chính phủ trong vài năm qua đã giúp Việt Nam sẵn sàng hơn về mặt tài chính để đối phó với khủng hoảng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam đã giảm gần 7 điểm phần trăm, qua đó cung cấp không gian tài chính và tạo điều kiện để Chính phủ tài trợ cho những biện pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ khủng hoảng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thận trọng trong việc quản lý thanh khoản thông qua việc duy trì lượng dự trữ đáng kể trong kho bạc.
Có thể nói, duy trì sự ổn định của cán cân tài khoản vãng lai, cán cân tài khoá và hệ thống tài chính trong nước không chỉ giúp làm giảm những tổn thất liên quan đến khủng hoảng COVID-19 trong thời gian ngắn mà còn đưa Việt Nam vào một vị trí thuận lợi trong công cuộc “đánh thức” nền kinh tế sau khủng hoảng.
Nếu đại dịch dần được kiểm soát trong những tháng tới, ông Ousmane Dione nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng nhờ các nền tảng mạnh mẽ. Ông cũng tin rằng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm kiềm chế tổn thất về mặt kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng cách thực hiện các biện pháp y tế và phòng ngừa cần thiết, bên cạnh việc đưa ra các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ phần lớn người dân cùng doanh nghiệp đối phó với gánh nặng trước mắt.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới do các biện pháp hạn chế trong nước và nhu cầu nước ngoài sụt giảm. |
Gói các biện pháp bảo vệ xã hội và giãn thuế được công bố gần đây có vẻ là những kế hoạch đầy tham vọng, dự kiến sẽ bảo vệ khoảng 25 triệu người và hầu hết số doanh nghiệp đã đăng ký. Đây là một mức hỗ trợ hợp lý với chi phí ước tính tương đương khoảng 1% GDP.
Mặc dù vậy, trong quý I/2020, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,8% - mức tăng theo quý thấp nhất kể từ năm 2009. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới do các biện pháp hạn chế trong nước và nhu cầu nước ngoài sụt giảm. Tuy nhiên, tất cả những dự đoán này đều chỉ mang tính chất ước lượng và rất có thể sẽ được điều chỉnh theo thời gian cũng như mức độ khủng hoảng của COVID-19.
Bốn trụ cột
Mỗi cuộc khủng hoảng qua đi sẽ mang lại cơ hội để các nền kinh tế chuyển mình mạnh mẽ. Ông Ousmane Dione tin rằng đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam đẩy mạnh những cải cách quan trọng nhằm cải thiện khả năng ứng phó và phục hồi từ các đại dịch trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã nêu bật lên tính cần thiết của nhiều hình thức cải cách. Chẳng hạn, hiện nay 1/3 số hộ gia đình Việt Nam có tài khoản ngân hàng, song quá trình phát triển thanh toán di động tại đây vẫn diễn ra tương đối chậm so với nhiều quốc gia Đông Á hoặc thậm chí ở các nước có thu nhập kém khác.
Những tác động của COVID-19 đã cho thấy thanh toán kỹ thuật số qua điện thoại di động có thể trở thành công cụ tuyệt vời hỗ trợ quá trình chuyển tiền cho các cá nhân và doanh nghiệp dễ bị tổn thương, giống như đang được thực hiện ở nhiều quốc gia khác. Dù vậy, Việt Nam hiện chưa thể dựa vào một hệ thống như vậy bởi hầu hết các giao dịch tài chính tại đây vẫn được thực hiện theo cách thủ công.
Bên cạnh đó, thách thức cũng đến từ việc người dân, ngân hàng và các doanh nghiệp sẽ phải tái khởi động nền kinh tế trong bối cảnh thiếu vắng niềm tin phục hồi. Một thời gian ngừng hoạt động có thể khiến các nhu cầu sử dụng tài chính cần thiết bị bỏ lỡ.
Ngoài ra, cũng có khả năng Việt Nam sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe nhanh hơn các quốc gia khác ở châu Âu hoặc châu Mỹ, song điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp địa phương sẽ cần phải nối lại hoạt động trong điều kiện môi trường bên ngoài yếu.
4 trụ cột cần thúc đẩy để để kinh tế Việt Nam phục hồi sau khi dịch COVID-19 đi qua. |
Vì tất cả những lý do này, ông Ousmane Dione tin rằng Chính phủ sẽ cần thúc đẩy các cải cách nhằm kích thích nhu cầu trong nước và mang lại hiệu quả hoạt động trong cả hai lĩnh vực công-tư. Những cải cách này cần được xây dựng dựa trên 4 trụ cột.
Trụ cột đầu tiên là đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình đầu tư công bằng cách tinh giản thủ tục mua sắm và thanh toán (ở cả cấp trung ương và địa phương), bởi các dự án xây dựng công cộng sẽ có tác động theo cấp số nhân đối với phần còn lại của nền kinh tế.
Trụ cột thứ hai, Việt Nam cần tận dụng tối đa các ứng dụng kỹ thuật số bằng cách thúc đẩy tài chính điện tử, giáo dục điện tử và chính phủ điện tử, trong bối cảnh kết nối ảo sẽ trở nên ngày một quan trọng hơn trong những năm tới.
Trụ cột thứ ba, việc hồi sinh cộng đồng địa phương sẽ là rất cần thiết cho các mục đích kinh tế, xã hội, do đó quá trình tạo việc làm thông qua các dự án công và cung cấp sự hỗ trợ một cách có định hướng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình là cần thiết.
Trụ cột cuối cùng là các gói giải pháp hỗ trợ cho những ngành nghề sử dụng nhiều lao động đang gặp khó khăn như du lịch, vận tải, thương mại bán lẻ và nông nghiệp.
Đây là những ngành nghề tập trung đến 3/4 tổng số lao động của Việt Nam. Bên cạnh tầm quan trọng của việc cải cách, khả năng phối kết hợp giữa bốn trụ cột này sẽ là yếu tố tạo ra sự khác biệt đáng kể nhất, nhằm đảm bảo rằng Việt Nam sẽ sớm đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo và hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao.
Về phía Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), ông Ousmane Dione cho biết, WBG đã công bố gói các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên để giúp đỡ, phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với COVID-19 ở các nước đang phát triển. Nhóm các dự án đầu tiên, với tổng trị giá 1,9 tỷ USD, sẽ hỗ trợ 25 quốc gia, trong khi một số biện pháp mới đang hướng tới việc hỗ trợ trên 60 quốc gia.
Tại Việt Nam, WBG đã xác định ba lĩnh vực để hỗ trợ chính phủ, đó là tăng tốc việc giải ngân các dự án; hỗ trợ tài chính bổ sung trong khuôn khổ chương trình cho vay giải ngân nhanh Fast Track Facility COVID-19 của Ngân hàng Thế giới; và cung cấp các dịch vụ tư vấn và phân tích, để nền kinh tế có thể nhanh chóng tăng tốc ngay khi COVID-19 dần qua đi.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp