Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hai nhà kinh tế học người Mỹ ẵm giải Nobel Kinh tế 2018

Phân tích

09/10/2018 00:08

Giải Nobel Kinh tế năm 2018 được trao cho hai nhà kinh tế học người Mỹ William D.Nordhaus và Paul M. Romer với việc tạo ra phương thức giải quyết một số vấn đề cơ bản và cấp thiết nhất trong thời đại hiện nay, như tăng trưởng bền vững lâu dài trong nền kinh tế toàn cầu và sự thịnh vượng của dân số thế giới.

William Dawbney "Bill" Nordhaus sinh ngày 31/5/1941 là một nhà kinh tế học và Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Yale – một trong những trường trong nhóm Ivy Leage danh giá. Ông được biết nhiều nhất vì các nghiên cứu về mô hình hóa kinh tế và biến đổi khí hậu.

William Nordhaus nhận bằng cử nhân và thạc sĩ từ Đại học Yale lần lượt vào các năm 1963 và 1973. Năm 1967, ông nhận bằng tiến sĩ tại Học viện Công nghệ thông tin Massachuset (MIT).

Giáo sư William Nordhaus.
Giáo sư William Nordhaus.

Từ năm 1967 đến nay, William Nordhause giảng dạy tại Đại học Yale.

Dưới thời Tổng thống Carter, từ năm 1977 đến 1979, Nordhaus là thành viên của Hội đồng cố vấn kinh tế Quốc gia.

Giáo sư Nordhaus là tác giả của hơn 20 đầu sách. Ông là đồng tác giả của cuốn sách giáo khoa “Kinh tế học” (Economics) – phiên bản đầu tiên của cuốn sách này được viết bởi một nhà kinh tế đoạt giải Nobel trước đó là Paul Samuelson. Hiện cuốn sách này đã được tái bản 19 lần và được dịch ra ít nhất 17 thứ tiếng khác nhau.

Giáo sư Nordhaus cũng viết một số sách về hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu – lĩnh vực nghiên cứu chính của ông. Các cuốn sách này bao gồm “Quản lý những điểm chung toàn cầu: Tính kinh tế của biến đổi khí hậu” xuất bản năm 1994 và giành giải “Ấn bản với chất lượng vượt thời gian” năm 2006 của Hiệp hội Kinh tế học Môi trường và Nguồn lực.

Một cuốn sách khác của ông là “Làm ấm thế giới: Các mô hình kinh tế của hiện tượng nóng lên toàn cầu” xuất bản năm 2000. Cuốn sách mới nhất của ông là “Sòng bạc khí hậu: Rủi ro, bất định, và tính kinh tế của một thế giới đang nóng lên”.

Giáo sư Nordhaus là người phát triển các mô hình DICE (Dynamic Integrated Climate-Economy – Mô hình động kết hợp khí hậu và nền kinh tế) và RICE (Regional Integrated Climate-Economy model – Mô hình khu vực kết hợp khí hậu và nền kinh tế), mô hình đánh giá tác động tích hợp của sự tương tác giữa kinh tế học, tiêu dùng năng lượng và biến đổi khí hậu.

Trong một nghiên cứu tháng 12/2016, giáo sư Nordhaus sử dụng mô hình DICE đã cải cách và rút ra kết luận rằng khí hậu trái đất nhiều khả năng sẽ thay đổi nhanh chóng trong thế kỷ sắp tới nếu các chính sách lớn về khí hậu không được thực thi.

Đồng nghiệp nói gì về William Nordhaus?

Giáo sư kinh tế học Tyler Cowen (Đại học George Mason) nói về Giáo sư Nordhaus như sau:

"Giáo sư Nordhaus được biết đến nhiều nhất thông qua các công trình nghiên cứu của ông về các mô hình biến đổi khí hậu và đóng góp của ông cho khái niệm liên quan tới "kế toán xanh" (một phương pháp kế toán có tính đến tác động tới môi trường cùng với các chỉ số tài chính - PV). Theo tôi được biết, Nordhaus bắt đầu nghiên cứu về kế toán xanh vào năm 1972 khi ông cùng với Giáo sư James Tobin (Đại học Yale, cũng từng giành giải Nobel kinh tế) xuất bản nghiên cứu "Phải chăng tăng trưởng đã lỗi thời?" Trong nghiên cứu này, hai ông đặt ra nghi vấn về tính bền vững của tăng trưởng.

Lý thuyết kế toán xanh cố gắng chỉ ra cách đo lường sự suy thoái về môi trường cùng với tăng trưởng kinh tế. Việc này không hề dễ dàng vì thiệt hại đối với môi trường là biến số rất khó định lượng. [...]

Giáo sư Nordhaus, cùng với một số học giả khác, phát triển mô hình DICE - một nỗ lực tiên phong trong việc phát triển một cách tiếp cận tổng thể để ước lượng chi phí của biến đổi khí hậu. Các nỗ lực sau đó, chẳng hạn nhóm London IPCC, được xây dựng trực tiếp trên thành quả của giáo sư Nordhaus. Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) hiện vẫn đang sử dụng một biến thể của mô hình này. [...]

Nordhaus cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ thuế carbon và đã viết một phần của Đạo luật Không khí sạch. [...]"

Giáo sư Paul Romer sinh ngày 7/11/1955 là một nhà kinh tế người Mỹ và là người tiên phong về lý thuyết tăng trưởng nội tại. Ông là con trai của cựu Thống đốc bang Colorado governor Roy Romer.

Paul Romer từng là kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2018. Trước đó, Paul Romer là giáo sư kinh tế học tại Trường kinh doanh Stern - Đại học New York và Trường kinh doanh sau đại học – Đại học Standford.

Giáo sư Paul Romer.
Giáo sư Paul Romer.

Paul Romer tốt nghiệp học viện Phillips Exeter với tấm bằng cử nhân toán năm 1977. Sau đó ông nhận bằng thạc sĩ kinh tế năm 1978 và bằng tiến sĩ kinh tế năm 1983 đều từ Đại học Chicago. Ông còn học sau đại học tại Học viện MIT và Đại học Queen’s.

Ông từng giảng dạy tại Đại học California, Berkeley, Đại học Chicago và Đại học Rochester.

Năm 2001, ông tạm rời môi trường học thuật để lập một startup có tên Aplia với hoạt động chính là phát triển các bộ bài tập về nhà trực tuyến cho sinh viên đại học. Năm 2007, Aplia được Cengage Learning mua lại.

Năm 1997, Paul Romer được tạp chí Time vinh danh là một trong 25 người có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Đôi điều thú vị về Paul Romer

Giáo sư Paul Romer nhận giải Nobel kinh tế 9 tháng sau khi rời khỏi Ngân hàng Thế giới (WB) giữa lúc tình hình căng thẳng.

Tại WB, Paul Romer bất đồng ý kiến với các nhân viên Wb trong một số vấn đề, trong đó có giá trị của phương pháp luận được sử dụng trong các báo cáo của WB. Có lần, Paul Romer đề nghị sử dụng chữ "và" ít đi, ông cho rằng từ này là một công cụ để diễn đạt các quan điểm chính trị.

Nhiệm kỳ của ông tại WB đột ngột kết thúc sau khi ông cáo buộc các nhân viên WB đã bóp méo số liệu khi lập bảng xếp hạng "Doing Business”, ông cho rằng Chile đã bị đánh giá không công bằng và bị đẩy xuống hạng thấp hơn thực tế.

Một mẩu chuyện nhỏ khác: Buổi sáng 8/10, chuông điện thoại nhà giáo sư Paul Romer reo lên nhưng ông không trả lời vì nghĩ đó là spam. Sau đó ông kiểm tra đầu số, thấy cuộc gọi đến từ Thụy Điển nên quyết định gọi lại. Sau khi cầm máy chờ trong giây lát, ông được báo tin mình đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2018.

Hai nhà kinh tế học người Mỹ ẵm giải Nobel Kinh tế 2018
P.V (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement