01/04/2019 14:20
Giữa tâm bão sai phạm cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn muốn niêm yết cổ phiếu lên HOSE
Cảng Quy Nhơn từng nộp hồ sơ niêm yết lần đầu hơn 40 triệu cổ phiếu lên HOSE vào cuối năm 2016 nhưng bị hoãn do không bổ sung theo yêu cầu.
Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Theo đó, đại hội sẽ trình cổ đông tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký niêm yết cổ phiếu QNP tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2019.
Cảng Quy Nhơn từng nộp hồ sơ niêm yết lần đầu toàn bộ hơn 40 triệu cổ phiếu lên HOSE vào cuối năm 2016. Đến đầu năm 2018, HOSE ra quyết định dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Cảng Quy Nhơn do không nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung theo yêu cầu.
Tại đại hội, QNP cũng đưa ra phương án tăng vốn điều lệ từ 404 tỷ lên 539 tỷ đồng bằng phương thức phát hành 13,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 3:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu được phân bổ 1 quyền mua.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động là 135 tỷ đồng. Lượng vốn này sẽ được dùng để đầu tư thực hiện dự án mở rộng cảng mà công ty làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện sau khi phương án được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Một góc cảng Quy Nhơn. |
Năm 2018, Cảng Quy Nhơn đạt sản lượng hàng hóa thông qua là 8,3 triệu tấn, tăng trưởng 16% so với năm 2017 và vượt 8% kế hoạch đề ra. Với sản lượng đó, công ty ghi nhận mức doanh thu hơn 728 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế thu về 120 tỷ đồng, tăng trưởng 28% và vượt 9% kế hoạch đề ra.
Cảng Quy Nhơn quyết định phân phối 80,8 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ thực hiện 20%/mệnh giá. Trong đó, QNP đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 tỷ lệ 8% tiền mặt. Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông vào 3/5 để thực hiện chi trả cổ tức đợt 2/2018 với tỷ lệ 12% bằng tiền mặt.
Cảng Quy Nhơn là cửa ngõ chính vận chuyển hàng hóa của miền Trung-Tây Nguyên, có vai trò quan trọng đối với quốc phòng an ninh, hành lang Đông Tây (nối từ Myanmar ra Biển Đông) trong giao thương quốc tế. Quá trình thực hiện cổ phần hóa cảng Quy Nhơn đã nảy sinh một số vấn đề và Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện.
Cụ thể, Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, do Cục Đường biển thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Đến năm 1993, Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước Cảng Quy Nhơn.
Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam-Vinalines, đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tháng 7/2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP).
Tháng 6/2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu cổ phiếu, tương đương 26,01% tỷ lệ sở hữu QNP cho Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành. Đến tháng 9/2015, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn còn lại trong QNP (19,8 triệu CP với tỷ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành, giúp doanh nghiệp này tăng tỷ lệ nắm giữ QNP lên 86,23% với tổng trị giá440 tỷ đồng.
Nhận định vụ mua bán này có dấu hiệu làm thất thoát tài sản Nhà nước, tháng 4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa QNP. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra. Đến cuối tháng 7/2017, Tổng bí thưNguyễn Phú Trọngtiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Trước đó, ngày 4/7/2018, làm việc với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnhBình Địnhkiến nghị thu hồi cảng Quy Nhơn về cho Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay việc cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn đã lọt vào tay tư nhân, địa phương lúng túng, mất kiểm soát.
Ngày 17/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra cho thấy việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông Vận tải, Vinalines, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp