15/08/2023 18:02
Giải ngân đầu tư công của TP.HCM chưa tới 30%
Tính đến hết ngày 4/8, TP.HCM mới giải ngân được 27,2% vốn đầu tư công của năm 2023. Những tháng còn lại, Thành phố phải dùng nhiều giải pháp để “chạy đua” giải ngân đạt 95% như kế hoạch đề ra.
Năm 2023, TP.HCM có 134 dự án hạ tầng có bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng số tiền dự kiến chi là 20.189 tỷ đồng. Nếu tính luôn số tiền khoảng 4.200 tỷ đồng chi bồi thường của năm 2022 mà các dự án đang triển khai thì tổng số tiền phải chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2023 của Thành phố (TP) khoảng 24.400 tỷ đồng.
Năm 2023, TP.HCM được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vốn đầu tư công, gồm vốn trung ương và vốn địa phương, cao gấp hai lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2022. Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến hết ngày 4/8, TP mới giải ngân được 18.646 tỷ đồng, đạt 27,2% trong tổng số vốn được giao của năm 2023 là 68.490 tỷ đồng, theo TTXVN.
Trong buổi giám sát về đầu tư công xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 mới đây, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã nhìn nhận, công tác triển khai đầu tư công trên địa bàn TP rất chậm, thậm chí có một số dự án còn chưa giải ngân.
Lý giải nguyên nhân, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục... Mặt khác, công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại, thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công…
Chính vì vậy, hiện có tới 30 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0, gần 20 dự án giải ngân dưới 10%. Một số dự án chưa giải ngân được như: Nâng cấp mở rộng đường Lò Lu (600 tỉ đồng), bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng đường Dương Quảng Hàm (1.750 tỉ đồng), nâng cấp Tỉnh lộ 8 (345 tỉ đồng)…
Riêng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, tính đến tháng 4 vừa qua, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP (TCIP) chỉ mới giải ngân được 3%. Nhưng đến nay, nhờ chi bồi thường, giải phóng mặt bằng ở dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, tỷ lệ giải ngân tăng lên 30% (đạt trên 5.600 tỷ đồng, gấp 10 lần).
Trước tình trạng giải ngân thấp đáng báo động, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, xây dựng các giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, xây dựng, giải ngân, thanh quyết toán và giải quyết các khó khăn vướng mắc.
UBND TP yêu cầu các sở, ngành quyết liệt đeo bám, theo dõi thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân nhằm đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch. Chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM về giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao thường xuyên theo dõi tiến độ giải ngân, tổng hợp danh sách các đơn vị, chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân thấp đến tháng 9/2023 (dưới 30%) do lỗi chủ quan để đề xuất TP phê bình và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ quý 3/2023.
Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu các địa phương hoàn thiện hồ sơ, chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C và hoàn thiện quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B để trình HĐND tại kỳ họp vào tháng 9/2023.
Để tránh tình trạng giải ngân chậm như những năm trước, UBND TP.HCM cũng yêu cầu trước ngày 20/8, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư rà soát, khẩn trương đề xuất nhu cầu dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn của năm 2024 - 2025.
Số vốn đề xuất phải đảm bảo việc hoàn thành dự án trong năm 2024 - 2025, không để dồn vốn vào năm 2025. Trong đó, số vốn đăng ký giải ngân đến hết năm 2024 phải đạt ít nhất 80% tổng kế hoạch vốn trung hạn. Với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm phải đạt ít nhất 30%.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp