27/04/2023 11:28
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Theo Bộ Tài chính, trên bình diện cả nước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ba tháng đầu năm 2023 còn thấp, với 73.192 tỷ đồng, chỉ đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và cũng thấp hơn so cùng kỳ năm 2022 (11,88%).
Có địa phương vẫn đổ lỗi cho thủ tục
Mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo Quyết định số 235/QĐ-TTg đối với bốn địa phương: Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương.
Kết quả kiểm tra cho thấy tiến độ giải ngân rất ì ạch. Tính đến ngày 31/3/2023, Bộ Tài chính cho hay bốn địa phương này mới chỉ giải ngân được 2.791 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước bốn tháng năm 2023 giải ngân được hơn 4.200 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể: Tỉnh Đắk Nông đạt 12,07%, ước bốn tháng đạt 18,61%; tỉnh Gia Lai đạt 4,36%, ước bốn tháng đạt 13,82%; tỉnh Đồng Nai đạt 8,95%, ước bốn tháng đạt 12,57%; tỉnh Bình Dương đạt 9,37%, ước bốn tháng đạt 14,64%.
Trên bình diện cả nước, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ba tháng đầu năm 2023 còn thấp, với 73.192 tỷ đồng, chỉ đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và cũng thấp hơn so cùng kỳ năm 2022 (11,88%).
Về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương thường đưa ra lý do liên quan khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện…
Đơn cử, trong công tác tổ chức thực hiện, ngay trong tháng 1/2023, các chủ đầu tư tập trung hoàn tất hồ sơ báo cáo thanh toán, giải ngân phần vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022; các dự án khởi công cuối năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 tập trung thi công để có khối lượng thanh toán phần vốn đã tạm ứng từ kế hoạch năm 2022 nên chưa có khối lượng thanh toán kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân không chỉ như các địa phương đã chỉ ra. Qua công tác kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, Bộ Tài chính thấy rằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công còn ở khâu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật đầu tư công, Quyết định giao vốn kế hoạch năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi tham dự cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch tỏ ra bất ngờ khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM ở mức báo động. Đến ngày 24/3, TP.HCM chỉ mới giải ngân được hơn 952 tỷ đồng, đạt 2% tổng số vốn được giao là 43.443,336 tỷ đồng.
"Đầu tư công diễn ra thế nào sẽ dẫn dắt đầu tư xã hội như thế đó. Nhưng kết thúc quý đầu tiên của năm, thành phố chỉ giải ngân được 2%. Thành phố đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh vai trò của trụ cột đầu tư công trong tăng trưởng.
Vẫn có địa phương giải ngân cao
Theo Bộ Tài chính, có hai bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 15%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%). Song vẫn có 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%; trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Thừa nhận thực tế cùng cơ chế nhưng có địa phương giải ngân đạt cao, địa phương đạt thấp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: Nơi nào các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và công tác tổ chức triển khai thực hiện được làm tốt, chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư tốt thì tỷ lệ giải ngân đạt khá.
"Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ quan dẫn đến giải ngân chậm chủ yếu liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện. Cùng một mặt bằng pháp luật, nhưng vẫn có nơi giải ngân tốt, có nơi giải ngân vẫn còn chậm, thấp", ông Phương nói.
Thí dụ như Tiền Giang, ngay từ đầu năm tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm, giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12/2022 và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Hay như tỉnh Ninh Bình cũng được ghi nhận có sự chuẩn bị rất tốt với các dự án đầu tư xây dựng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hoàn thành sớm các khâu chuẩn bị, giải phóng mặt bằng cũng như tiến hành thi công.
Do vậy ngày 18/4, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác số 05 đã ký công văn gửi các địa phương đề nghị rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân (nhất là các dự án đến nay có số giải ngân bằng 0) để phân bổ đủ kế hoạch vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 còn thiếu vốn. Sau khi ưu tiên vốn cho các dự án này mới xem xét bố trí kế hoạch vốn cho dự án khởi công mới bảo đảm đúng quy định về nguyên tắc phân bổ vốn…
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án ngay từ những tháng đầu năm; kịp thời, chủ động tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án, cụ thể: chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng…
Đại biểu QH Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm với người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông Thịnh, thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước liên quan giải ngân đầu tư công cần phải được tiếp tục cải cách. Trong một dự án, nếu liên quan thẩm quyền của bộ, ngành nào thì cần phải phối hợp nhịp nhàng, tránh "quyền anh, quyền tôi", như Thủ tướng đã từng nhắc nhở.
Thủ tục hành chính ảnh hưởng rất lớn tiến độ giải ngân. Vì thế, những văn bản đề nghị thẩm định của cơ quan cấp dưới gửi lên cấp trên thì phải minh bạch về thời hạn giải quyết. Một mặt nữa là phải tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng cái gì cấp dưới làm được thì giao, tránh những việc cấp dưới có năng lực để làm nhưng lại không được giao quyền nên cứ phải đẩy lên.
"Về mặt tổng quan, giải ngân đầu tư công nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu của cơ quan đó. Cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để đơn vị mình không hoàn thành kế hoạch được giao", ông Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.
Việc giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chỉ đạo rất sát sao trong thời gian vừa qua nhưng tiến độ giải ngân vẫn rất chậm.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo; trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm mục tiêu phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách đã được giao, theo TTXVN.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tập trung ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý dự án đầu tư; trong đó có khó khăn, vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với dự án đầu tư công.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp