21/03/2023 14:51
Giá xăng RON 95 giảm gần 800 đồng/lít
Trong phiên điều chỉnh chiều 21/3, giá xăng RON 95 được liên Bộ Tài chính - Công thương giảm 780 đồng/lít, xuống còn hơn 22.000 đồng/lít.
Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.020 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.030 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm, mức giảm mạnh hơn giá xăng ở mức 1.200 đồng/lít: Dầu diesel giảm còn 19.300 đồng/lít, dầu hỏa xuống còn 19.460 đồng/lít.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng dầu đã có 5 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành giá ngày 13/3, liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng giá bán đồng loạt các mặt hàng.
Cụ thể, giá xăng RON95 tăng 493 đồng/lít lên 23.818 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 385 đồng/lít lên 22.806 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 247 đồng/lít lên 20.502 đồng/lít, dầu hỏa tăng 241 đồng/lít lên 20.715 đồng/lít, dầu mazut tăng 724 đồng/kg lên 15.279 đồng/kg.
Về giá xăng dầu Thế giới, dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 17/3 cho thấy, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore giảm mạnh so với giá ngày 9/3.
Cụ thể, giá xăng RON92 hiện ở mức 90,24 USD/thùng, giảm 6 USD/thùng; giá xăng RON95 ở mức khoảng 94,51 USD/thùng, giảm gần 6 USD/thùng; dầu diesel ở mức 95,85 USD/thùng, giảm gần 5 USD/thùng.
Cập nhật trên oil price cũng cho thấy: Giá dầu Brent hiện giao dịch ở mức 73,9 USD/thùng - giảm 0,7 USD, tương ứng giảm 0,95%; dầu WTI giao dịch mức 66,90 USD/thùng - giảm 0,74 USD, tương đương giảm 1,09%.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm gần 12% và giá dầu WTI cũng giảm 13% - đây là mức giảm hằng tuần lớn nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 20/3, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu rớt mạnh xuống hơn 70 USD /thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021, rồi bật tăng phần nào lên 71,6 USD /thùng.
Giá dầu WTI chuẩn Mỹ cũng giảm mạnh còn hơn 64 USD /thùng, xuống mức thấp chưa từng thấy trong vòng 16 tháng qua. Đến ngày 21/3, giá mặt hàng này đã phục tăng trở lại khoảng 3 USD /thùng.
Sự trượt dốc của dầu xảy ra bất chấp thỏa thuận mang tính lịch sử trong đó UBS, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, đã đồng ý mua Credit Suisse trong nỗ lực giải cứu ngân hàng lớn thứ hai của đất nước.
Sau khi thỏa thuận được công bố, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương lớn khác đã cam kết tăng cường thanh khoản thị trường và hỗ trợ các ngân hàng khác.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement