30/04/2021 15:38
Giả thiết về nguồn lây nhiễm 'bệnh nhân 2899' Hà Nam
Các chuyên gia cho rằng không thể kết luận "bệnh nhân 2899" ủ bệnh quá 14 ngày, mà phải xem xét nhiều yếu tố như lây từ khu cách ly, lây trên đường di chuyển về nhà, ngày xét nghiệm cuối cùng có đúng ngày thứ 14 không.
"Bệnh nhân 2899" được Bộ Y tế ghi nhận chiều 29/4, là người đàn ông 28 tuổi, quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 7/4, hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung tại Đà Nẵng với ba lần xét nghiệm PCR âm tính.
Ngày 21/4, anh rời khu cách ly tập trung, đi xe khách từ Đà Nẵng về nhà ở thôn Quan Nhân. Sáng 24/4, anh bắt đầu ho, sốt, bố anh đến trạm y tế xã khai báo y tế, kết quả xét nghiệm ngày 29/4 dương tính.
Chiều 29/4, bố, mẹ, vợ và con gái của người này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Hiện nhà chức trách đã phong tỏa thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân - nơi họ sinh sống.
4 người nhà cũng được Bộ Y tế ghi nhận, là các ca 2901, 2903, 2908, 2909.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho biết "bệnh nhân 2899" dương tính sau khi trở về từ khu cách ly, phải xem xét nhiều yếu tố, chưa thể kết luận nguyên nhân do đâu.
Ông Phu chỉ ra 3 khả năng lây nhiễm. Thứ nhất, có thể bệnh nhân này lây nhiễm COVID-19 ngay trong khu cách ly, tuy nhiên đến khi rời khỏi khu cách ly mới phát bệnh. Thứ hai, số ít trường hợp thời gian ủ bệnh không ấn định hoàn toàn 14 ngày mà có thể trên 14 ngày. Thứ ba, cần kiểm tra lại lần xét nghiệm cuối cùng của anh này tại khu cách ly là ngày thứ bao nhiêu, có đúng là ngày thứ 14 không. Bệnh nhân này sau khi hoàn thành cách ly, ba ngày sau khi về nhà mới bắt đầu biểu hiện ho, sốt.
Ngoài ra, khi hoàn tất thời gian cách ly tập trung, bệnh nhân di chuyển về nhà và tiếp xúc nhiều người. "Có thể trong quá trình di chuyển bệnh nhân bị lây nhiễm. Cũng có thể bệnh nhân bị lây ở cộng đồng, mà không thể xác định được nguồn lây là ở đâu", ông Phu nói.
Chuyên gia cho rằng cần điều tra dịch tễ cụ thể mới có thể đưa ra những kết luận chính xác, chứ chưa thể kết luận "bệnh nhân có thời gian ủ bệnh trên 14 ngày". Hiện tại, quy định thời gian cách ly tập trung của Bộ Y tế 14 ngày về cơ bản là đảm bảo an toàn. Sau 14 ngày xét nghiệm 3 lần âm tính, bệnh nhân về nhà phải theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc không cần thiết.
"Vấn đề xác định nguồn lây cũng là rất quan trọng để định hướng truy vết và đánh giá quy mô dịch. Song, điều quan trọng lúc này là ưu tiên truy vết hết F0, F1, F2... trong cộng đồng để tránh lây lan. Tiếp đến là phải khẳng định trường hợp này có bị lây nhiễm ở cộng đồng không để có biện pháp chống dịch phù hợp", ông Phu nói.
Một chuyên gia dịch tễ giấu tên cho biết có rất nhiều khả năng về nguồn lây của "bệnh nhân 2899". Ngoài những khả năng như ông Phu đưa ra, một giả thiết khác là có thể người đàn ông này đã tiếp xúc với bệnh phẩm hoặc bề mặt chứa COVID-19 trong khu cách ly, hoặc tiếp xúc với một người dương tính trên đường trở về nhà mà không biết.
Hiện, các chuyên gia chưa loại trừ khả năng nào và cần thêm bằng chứng, như kết quả giải trình tự gene virus, điều tra quá trình xét nghiệm, lịch sử dịch tễ, nhằm xác định rõ nguồn lây của người bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định thời gian ủ bệnh của "bệnh nhân 2899" không vượt quá 14 ngày.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nhận định anh 2899 có thể bị lây trong khu cách ly, bởi địa điểm này đã ghi nhận người nhiễm nCoV trong thời gian anh cách ly, hoặc nhiễm từ Nhật Bản nhưng khi đó xét nghiệm chưa phát hiện được.
"Cần làm rõ lại thời gian xét nghiệm lần cuối cùng của "bệnh nhân 2899" tại khu cách ly Đà Nẵng, để làm rõ hai khả năng này", ông Khanh nói và đồng tình với giả thiết thứ ba của ông Phu. Anh 2899 cũng có thể nhiễm nCoV trên chuyến xe khách trở về nhà, hoặc lây tại Hà Nam, song cần thêm bằng chứng để chứng minh khả năng này.
Sau thời gian cách ly tập trung, người trở về địa phương được yêu cầu cách ly tại nhà thêm 14 ngày và theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Nếu tuân thủ, dịch bệnh sẽ được hạn chế lây lan, diễn biến bất thường được xử trí kịp thời. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng không cần tăng thời gian cách ly tập trung.
Từ 18h ngày 29/4, Hà Nam tạm đóng cửa khu du lịch Tam Chúc, dừng hoạt động karaoke, massage, khu vui chơi giải trí; dừng các lễ hội, hoạt động sự kiện đông người; các sự kiện không cần thiết. Tỉnh kích hoạt toàn bộ lực lượng, phương án phòng chống Covid-19 ở tất cả các cấp.
Tính từ 27/1 đến nay ghi nhận 920 ca nhiễm cộng đồng, trong đó 911 ca liên quan đợt dịch từ Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, 9 ca liên quan dịch ở Hà Nam. Tổng số ca nhiễm tích lũy từ đầu dịch lên 2.914, số khỏi 2.516. Các bệnh nhân đang điều trị đa số sức khỏe ổn định, trong đó 13 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 15 người âm tính lần hai và 20 người âm tính lần ba.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp