19/06/2018 13:01
Giá thép giảm mạnh sau nhiều ngày tăng liên tiếp
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm mạnh gần 2,2%, xuống còn 3.797 nhân dân tệ/tấn (588,78 USD/tấn).
Giá thép thanh giao sau trên sàn SHFE ngày 15/6 chạm đỉnh 9 tháng rưỡi, nhờ số liệu khả quan của ngành bất động sản và đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thép lớn đang điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh mặt hàng này để phù hợp với diễn biến thị trường và chiến lược của mình.
Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto có kế hoạch phát triển mỏ quặng sắt Koodaideri tại vùng Pilbara thuộc bang Western (Australia) trong năm tới, đồng thời cho biết đây là một trong những mỏ ứng dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới. Rio Tinto cho biết sẽ bắt đầu khai thác mỏ quặng đầu tiên vào năm 2021.
Các nhà sản xuất thép Nhật Bản chưa ghi nhận thiệt hại nào đối với các nhà máy sau trận động đất mạnh 6,1 độ richter gần thành phố Osaka thuộc vùng Kansai, phía tây Nhật Bản vào ngày 18/6. Ba tập đoàn thép Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp, JFE Steel và Kobe Steel đều đặt cơ sở sản xuất tại khu vực nơi động đất xảy ra.
Trong báo cáo mới đây nhất, Hiệp hội Thép thế giới (WorldSteel) cho biết, thị trường thép sau 2 năm biến động và suy giảm đã ổn định trở lại vào 2017. Nhu cầu thép toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018 và 2019, trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu vẫn thuận lợi với niềm tin cao và đầu tư ở các nền kinh tế tiên tiến tiếp tục hồi phục mạnh.
Cụ thể, nhu cầu thép năm 2018 sẽ tăng 1,8% so với năm trước, lên 1,62 tỷ tấn, năm 2019 sẽ tăng 0,7% lên 1,63 tỷ tấn. Sản lượng thép toàn cầu năm 2018 đươc dự báo sẽ tăng 4% (276,65 triệu tấn) so với năm 2017.
Theo WorldSteel, nhu cầu của các nước phát triển trong năm nay sẽ tăng 1,8%, nhưng sẽ giảm 1,1% vào năm 2019. Nếu áp lực lạm phát gia tăng và các nền kinh tế Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, kinh tế nói chung và thị trường thép nói riêng ở những khu vực này có thể sẽ chịu tác động.
Ảnh: thegioitiepthi.vn |
Còn tại Trung Quốc, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu cam kết sẽ không khoan nhượng và xử lý mạnh tay đối với hoạt động sản xuất thép chất lượng thấp trái phép, trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực thắt chặt nguồn cung. Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm công suất sản xuất 30 triệu tấn thép không hiệu quả và 150 triệu tấn than trong năm nay.
Gần đây, để tái cơ cấu ngành thép, Bắc Kinh đã quyết định đóng cửa những cơ sở sản xuất thép bất hợp pháp (chất lượng thấp, làm từ phế liệu), kết quả đã giảm được 120 triệu tấn sản lượng/năm. Năm 2017, Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu cho các dịch vụ công để kích thích kinh tế, xuất khẩu thép cùng năm giảm khoảng 30% so với năm trước.
Chủ tịch Koji Kakigi của JFE Steel cho hay, về cơ bản tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Nếu xảy ra xung đột thương mại với Mỹ khiến nhu cầu trong nước (của Trung Quốc) yếu đi, nước này có thể lại phải tìm tới giải pháp mở rộng xuất khẩu.
Advertisement
Advertisement