12/12/2024 07:54
Giá nhà cạnh tranh, đô thị vệ tinh TP.HCM hút tiền
Nhờ hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, giá bất động sản cạnh tranh và nhiều dư địa tăng trưởng, các đô thị vệ tinh quanh TP.HCM đang trở thành điểm đến của dòng tiền đầu tư.
Dòng tiền đổ về vùng ven
Năm 2018, chị Hạnh - một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM, đã mua 2 lô đất tại một dự án ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với giá 1,2 tỷ đồng/lô. Thời điểm đó, khu vực này vẫn còn khá hoang sơ, nhưng chị tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của bất động sản nơi đây nhờ các dự án hạ tầng lớn như cầu Cát Lái kết nối Nhơn Trạch với TP. Thủ Đức và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đến năm 2024, khi các tuyến đường liên kết vùng được triển khai và dự án sân bay quốc tế Long Thành tiến triển tích cực, giá trị lô đất của chị đã tăng lên gần 3 tỷ đồng/lô. Không chỉ vậy, chị còn tận dụng lô đất để làm bãi đỗ xe tạm thời, mang lại thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng mỗi tháng.
Ở một trường hợp khác, chị Lan - nhân viên văn phòng tại quận Bình Thạnh, cảm thấy ngột ngạt khi sống trong căn hộ nhỏ tại phường An Khánh, TP. Thủ Đức. Sau khi tìm hiểu, năm 2022, chị quyết định mua một căn nhà liên kế tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, gần Quốc lộ 13 và cách TP.HCM chỉ 30 phút lái xe.
Căn nhà có giá khoảng 4 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với bất động sản cùng loại ở TP.HCM, nhưng khu vực xung quanh vẫn đáp ứng đầy đủ tiện ích như siêu thị, trường học, bệnh viện và khu vui chơi. Kế hoạch của chị là dọn về ở trong vài năm để tận hưởng không gian sống thoáng đãng, yên tĩnh, sau đó sẽ cho thuê lại khi giá trị bất động sản tăng lên.
“Vừa được tận hưởng cuộc sống dễ chịu, vừa có khoản đầu tư sinh lời, tôi thấy kế hoạch này rất hợp lý,” chị Lan chia sẻ.
Còn anh Tâm - một kiến trúc sư yêu thiên nhiên, với khoản tiền tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ đồng, anh chọn mua một mảnh đất rộng 800 m2 tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Khu vực này cách TP.HCM chỉ 45 phút di chuyển và có tiềm năng tăng giá nhờ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai.
Anh xây một ngôi nhà nhỏ trên khu đất và trồng cây ăn trái xung quanh, biến nơi đây thành chốn nghỉ dưỡng cuối tuần cho gia đình. Không chỉ vậy, anh còn cho thuê lại không gian này để tăng thu nhập, tránh lãng phí khi không sử dụng.
“Đây không chỉ là chốn nghỉ ngơi mà còn là cách đầu tư thông minh, bởi khi hạ tầng hoàn thiện, giá đất ở đây chắc chắn sẽ tăng mạnh”, anh Tâm nhấn mạnh.
Mỗi câu chuyện trên cho thấy nhu cầu và chiến lược khác nhau, từ đầu tư đất nền dài hạn, mua nhà để ở, đến xây dựng không gian nghỉ dưỡng, song điểm chung là tất cả đều tận dụng lợi thế của hạ tầng giao thông vùng ven và tiềm năng phát triển của các đô thị vệ tinh để vừa sử dụng, vừa đầu tư dài hạn.
Hạ tầng dẫn lối
Thực tế cho thấy, trong năm 2024, các đô thị vệ tinh xung quanh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã ghi nhận những bước tiến đáng kể nhờ nhu cầu nhà ở tăng cao, sự phát triển hạ tầng giao thông và chiến lược giãn dân đô thị của Thành phố.
Trong đó, Bình Dương nổi bật với các dự án căn hộ đáp ứng tốt nhu cầu an cư của người dân TP.HCM. Trong năm 2024, giá căn hộ tại các khu vực như Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một dao động từ 30-40 triệu đồng/m2 - mức giá rất cạnh tranh so với khu vực nội đô TP.HCM. Phần lớn người mua đến từ TP.HCM, bao gồm cả người ở thực và nhà đầu tư.
Trong bối cảnh quỹ đất tại trung tâm TP.HCM ngày càng hạn hẹp và giá bất động sản không ngừng leo thang, việc mở rộng các tuyến đường liên kết vùng đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà phát triển dự án.
Song, yếu tố khiến Bình Dương thu hút sự quan tâm lớn là các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn và đặc biệt là tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp đi vào hoạt động, giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện.
Khác với Bình Dương, Đồng Nai và Long An tập trung phát triển bất động sản liền thổ như đất nền, nhà phố và biệt thự, phù hợp với nhu cầu tích lũy dài hạn của người dân TP.HCM.
Tại Đồng Nai, các dự án như sân bay quốc tế Long Thành và cao tốc Bến Lức - Long Thành là động lực lớn thúc đẩy giá trị bất động sản nơi đây. Trong khi đó, Long An tận dụng lợi thế gần miền Tây và sự kết nối giao thông qua tuyến đường Vành đai 3.
Theo bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M, Savills Việt Nam, 2 thị trường Đồng Nai và Long An đang tập trung phát triển các sản phẩm nhà ở gắn liền với đất, hơn là căn hộ, khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ cũng như thời gian di chuyển đến TP.HCM dài hơn so với Bình Dương.
Tuy nhiên, trong tương lai, khi cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện và đồng bộ hơn, gia tăng tính kết nối, đặc biệt là tuyến Vành đai 3, sẽ giúp thời gian di chuyển đến TP.HCM rút ngắn lại, tạo điều kiện để Đồng Nai và Long An phát triển mạnh hơn các dự án chung cư, đáp ứng nhu cầu nhà để ở cũng như đầu tư đang tăng nhanh của người dân địa phương và khu vực lân cận.
“Bất động sản ở Bình Dương đang hoạt động tích cực với nguồn cung tăng cao và sức hấp thụ tốt. Còn ở khu vực xa hơn như Đồng Nai hay Long An tập trung vào tích lũy bất động sản thứ hai hơn là nhu cầu an cư của người dân TP.HCM di chuyển về các khu vực này”, bà Giang Huỳnh chia sẻ thêm.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều khẳng định rằng, hạ tầng giao thông đang là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh TP.HCM. Những năm gần đây, xu hướng “sống vùng ven, làm Sài Gòn” ngày càng rõ nét.
Theo ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group, tại khu vực phía Nam, câu chuyện chấp nhận đi xa để tìm được nơi ở có giá hợp lý và môi trường trong sạch sẽ ngày càng phổ biến.
Trước đây, nhiều người chấp nhận sống trong những ngôi nhà chật chội nhưng ở gần trung tâm, hơn là ở vùng ven xa xôi, thì nay, nhờ sự phát triển của hạ tầng giao thông, họ chấp nhận đi xa hơn để tìm kiếm một nơi ở rộng rãi, không khí trong lành. Dù vậy, không phải dự án vùng ven nào cũng hút khách, mà chỉ những nơi có hạ tầng kết nối hoàn thiện, được đầu tư bài bản, đảm bảo đầy đủ các dịch vụ, tiện ích… mới được quan tâm.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Lộc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Techcomreal cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất tại trung tâm TP.HCM ngày càng hạn hẹp và giá bất động sản không ngừng leo thang, việc mở rộng các tuyến đường liên kết vùng đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà phát triển dự án.
“Hạ tầng giao thông chính là lực đẩy cho sự hình thành và phát triển các khu đô thị vệ tinh, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động cho các nhà phát triển bất động sản. Các sản phẩm bất động sản tại những khu vực này ngày càng phong phú hơn và giá trị cũng tăng cao nhờ tính kết nối ngày càng cải thiện,” ông Lộc nhận định, đồng thời đánh giá, thời gian qua, các vùng đô thị vệ tinh quanh TP.HCM đã phát triển hơn, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ.
Do vậy, với sự gia tăng liên tục của các dự án hạ tầng trọng điểm, bất động sản tại các khu vực dọc theo những tuyến giao thông này sẽ hưởng lợi “kép”: Vừa giúp gia tăng giá trị tài sản, vừa thúc đẩy hoạt động kinh tế - giao thương trong khu vực.
“Việc đầu tư vào bất động sản tại các đô thị vệ tinh không chỉ là lời giải cho bài toán khan hiếm quỹ đất ở TP.HCM, mà còn là chiến lược mang lại tiềm năng tăng trưởng lâu dài nhờ vào động lực từ hạ tầng”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp