10/12/2024 20:08
Năm 2025, dòng tiền sẽ đổ vào phân khúc bất động sản nào?
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo năm 2025, phân khúc nhà chung cư vẫn là nhóm chủ lực dẫn dắt thị trường, đặc biệt là nhóm nhà ở vừa túi tiền với giá trên dưới 3 tỷ đồng.
Chung cư vẫn là phân khúc chủ lực dẫn dắt thị trường
Chia sẻ tại hội thảo "Thị trường căn hộ Hà Nội: Đâu là lựa chọn sống, đầu tư bền vững?" do Tạp chí Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận trên thị trường bất động sản, dòng tiền đi vào các phân khúc hiện nay có sự khác nhau.
Thứ nhất là phân khúc nhà chung cư, ông Chung dự báo trong năm 2025 và các năm tiếp theo, đây vẫn là nhóm chủ lực dẫn dắt thị trường, đặc biệt là nhóm nhà ở vừa túi tiền với giá trên dưới 3 tỷ đồng cho một căn hộ diện tích 70-100m2, thậm chí là 50m2 đối với các gia đình hạt nhân mới.
Thứ hai là bất động sản công nghiệp. Theo ông Chung, tiếp đà năm 2024, phân khúc này trong năm 2025 dự báo vẫn sẽ tăng trưởng tốt, dựa vào 2 yếu tố hỗ trợ ở cùng một thời điểm: bên trong muốn vươn lên, còn dòng vốn bên ngoài cùng nhau tìm tới Việt Nam.
Theo nguyên tắc tài chính quốc tế, một quốc gia thỏa mãn được 3 điều kiện: nằm trong vùng tăng trưởng, kinh tế - xã hội ổn định, con người muốn vươn lên, có khả năng đón nguồn vốn. Hiện tại, Việt Nam đang ở thời điểm thỏa mãn những điều kiện đó.
Đối với bất động sản nhà ở biệt thự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá tuy vận hành âm thầm nhưng phân khúc này khá quyết liệt, bất động sản đáp ứng tốt nhu cầu đều có người mua. Tuy nhiên, giá ngày càng tăng, giá trị giao dịch ngày càng lớn, nên thanh khoản khó khăn hơn.
Còn phân khúc bất động sản du lịch, ông Chung cho rằng đà phục hồi của ngành du lịch và thị trường bất động sản nói chung sẽ lan tỏa đến thị trường bất động sản du lịch. Nhưng do chưa có cải thiện rõ rệt về pháp lý nên thị trường này vẫn chưa có đột phá như giai đoạn trước Covid-19. Hiện nay, vẫn chưa có một hệ thống pháp lý đủ vững vàng để hỗ trợ cho thị trường này được vận hành trơn tru.
BĐS Hà Nội tăng trưởng vượt ngưỡng dự báo, TP.HCM đi ngang
Xét về địa bàn, vị chuyên gia cho rằng Hà Nội và TP.HCM là 2 thị trường chính của thị trường bất động sản đang có sự chuyển động khác pha. Thị trường bất động sản Hà Nội đã tăng trưởng, thậm chí vượt qua ngưỡng dự báo; còn TP.HCM chưa tăng nhưng nhiều khả năng sẽ tăng.
Đối với các tỉnh lân cận Hà Nội và TP.HCM, ông Chung dự báo việc tăng giá nhiều khả năng cũng sẽ lan tỏa trong năm 2025. Trong khi đó, các tỉnh có dòng vốn đầu tư nước ngoài đến sẽ có thể tăng trưởng đột biến. Các nhà đầu tư nước ngoài thường không đi theo con đường cũ mà luôn tìm địa điểm mới.
“Cách đây 10 năm, không ai nghĩ Bắc Giang sẽ là điểm đến đầu tư nước ngoài sôi động như bây giờ. Còn Bình Dương đã đi trên “đôi hài vạn dặm” trong suốt 20 năm qua, nhưng bây giờ có thể là Bình Phước bởi lợi thế cao tốc mở ra, vốn đầu tư sẽ đến”, ông Chung nói.
Ngoài ra, nhóm địa bàn có hệ thống hạ tầng lớn đi qua cũng sẽ thu hút dòng tiền bất động sản. Đây là điểm đặc biệt bởi Việt Nam đang nhấn vào loại hình đô thị TOD - đô thị dựa vào các công trình hạ tầng lớn với 5 con đường từ Bắc vào Nam.
Kịch bản nào cho thị trường năm 2025?
Theo ông Chung, năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung sẽ có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
“Dù rằng, tôi có đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra với năm 2025 gồm: đi xuống, đi ngang và đi lên. Tuy nhiên, khả năng cao thị trường sẽ theo kịch bản đi lên - tăng trưởng khá tốt, bởi tất cả các chỉ báo hiện nay đều cho thấy thị trường bất động sản 2025 có nhiều cơ sở để tăng trưởng”, ông Chung dự báo.
Để thị trường hồi phục và phát triển mạnh trong thời gian tới, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng vẫn cần có sự tham gia của tất cả các bên. Thứ nhất là, Nhà nước phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, có sự kết nối với các doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng.
Thứ hai là ngân hàng cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Thứ ba là doanh nghiệp bất động sản bằng mọi cách tái khởi động các dự án cũ, các dự án bị đình trệ ở giai đoạn trước. Nói cách khác, các doanh nghiệp cũng phải tự lực để tháo gỡ khó khăn cho chính mình.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp