23/08/2023 08:36
Giá gas hôm nay ngày 23/8: Giảm nhẹ
Giá gas hôm nay ngày 23/8 giảm 0,08%, ở mức 2,55 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2023.
Mức dự trữ khí đốt trong Liên minh châu Âu (EU) hiện đã đạt 90,1% công suất - theo dữ liệu của Gas Infrastructure Europe (GIE). Như vậy, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mục tiêu dự trữ khí đốt sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch, trong bối cảnh khu vực này giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga.
Thông báo từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các kho khí đốt của EU đã đạt được mức 1.024 TWh, tương đương hơn 93 tỷ mét khối, với mức 90,12% công suất lưu trữ. Trong đó, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất của khối là Đức, và các cơ sở lưu trữ tại nước này đã đầy 91,6%. Latvia ghi nhận tỷ lệ lưu trữ được lấp đầy thấp nhất là 77%.
Châu Âu cho rằng mức dự trữ như vậy là cần thiết để các nước thành viên vượt qua mùa đông một cách an toàn. Đồng thời, với kết quả đạt được, thị trường năng lượng của EU đã được cải thiện rất nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái. Lượng khí đốt tích lũy nhanh chóng đã khiến giá giảm, giúp châu Âu tránh được cuộc suy thoái sâu mà nhiều người lo ngại vào năm ngoái.
Mặc dù, trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá khí đốt TTF đã tăng gần 43%, song nếu so với thời điểm đầu năm nay, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm khoảng một nửa.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng một mùa đông lạnh hơn bình thường vẫn có thể khiến giá khí đốt biến động mạnh và các nước trong khu vực sẽ phải chật vật tìm kiếm nguồn cung.
Khi đó, mức dự trữ khí đốt cao của châu Âu trong mùa hè sẽ nhanh chóng bị rút cạn trong những tháng lạnh của mùa đông. Lượng khí đốt dự trữ sẽ không đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu của châu Âu. Những rủi ro từ nhiệt độ xuống thấp hơn so với bình thường và sự gián đoạn nguồn cung khí đốt toàn cầu có thể khiến châu Âu một lần nữa phải đi tìm nguồn cung khí đốt thay thế như trong năm ngoái.
Theo chuyên gia Glen Kurokawa của công ty tư vấn hàng hoá cơ bản CRU, việc rút khí đốt từ dự trữ chỉ có thể đáp ứng 15-20% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong mùa đông, và nguồn cung từ LNG nhập khẩu sẽ đáp ứng một tỷ trọng lớn là khoảng 1/3.
Trong khi đó, ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây, Nga đã xoay trục thị trường năng lượng từ Tây sang Đông, mà Trung Quốc là một trong những điểm đến chính.
Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố, dòng chảy khí đốt qua đường ống từ Nga sang Trung Quốc đã tăng lên tới 3,94 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, tăng gần gấp đôi giá trị được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022, và gần bằng với mức vận chuyển trong cả năm ngoái (3,98 tỷ USD).
Chỉ riêng trong tháng 7, Trung Quốc đã mua lượng khí đốt đường ống trị giá 555,57 triệu USD của Nga. Trung Quốc nhận được phần lớn khí đốt của Nga thông qua đường ống khổng lồ Power of Siberia (Sức mạnh Siberia). Gazprom của Nga đã tăng dần lưu lượng khí đốt qua đường ống này kể từ đầu năm, khi Moscow và Bắc Kinh ký một thỏa thuận vật tư bổ sung.
Tại thị trường trong nước, giá gas tháng 8 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 8/2023 là 380.160 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.520.640 đồng/bình công nghiệp 48kg. Giá bán gas Saigon Petro bình 12kg ở mức 373.500 đồng bình 12kg.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement