03/10/2023 08:03
Giá dầu giảm xuống đáy 3 tuần do đồng USD mạnh và hoạt động chốt lời
Giá dầu giảm vào đầu phiên giao dịch châu Á hôm nay (3/10) sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần trong phiên trước đó do đồng USD mạnh lên và các nhà đầu tư chốt lời cũng như mối lo ngại về nguồn cung dầu thô ngày càng cao và áp lực đối với nhu cầu từ môi trường lãi suất cao.
Trong ngày đầu tiên đáo hạn, hợp đồng dầu thô tương lai Brent giao tháng 12 đóng cửa với mức giảm 1.49, tương đương 1.6%, xuống 90.71 USD/thùng, ghi nhận mức giảm khoảng 5% so với thời điểm hợp đồng giao tháng 11 hết hạn vào hôm thứ Sáu.
Đây là mức sụt giảm phần trăm trong phiên mạnh nhất kể từ đầu tháng 5 của hợp đồng dầu Brent giao ngay.
Trong khi đó, hợp đồng dầu thô tương lai WTI tại Mỹ giảm 1.97 USD/thùng, tương ứng 2.2%, đóng cửa tại 88.82 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho biết một số nhà giao dịch đã chốt lời sau khi giá dầu thô tăng gần 30% lên mức cao nhất trong 10 tháng trong quý 3.
Trước khi dầu thô bắt đầu giảm giá vào ngày 28/9, các nhà đầu cơ Mỹ đã tăng vị thế mua ròng tương lai và quyền chọn trên Sàn giao dịch Hàng hóa New York lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2022, theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC).
Vào ngày 2/10, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng so với rổ các đồng tiền lớn sau khi chính phủ Mỹ tránh được việc đóng cửa một phần và dữ liệu kinh tế làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, điều này có thể làm chậm lại hoạt động kinh tế.
Các nhà đầu tư ở châu Á cũng đang chờ đợi quyết định và hướng dẫn chính sách mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Australia vào hôm nay (3/10).
Theo Reuters, ngân hàng trung ương Australia dự kiến sẽ giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức 4,10% vào ngày 3/10, nhưng có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa với mức cao nhất là 4,35% vào cuối năm nay do lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu.
Lãi suất cao hơn cùng với đồng đô la mạnh hơn, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, có thể làm giảm nhu cầu dầu.
Tại châu Âu, dữ liệu sản xuất cho thấy khu vực đồng euro, Đức và Anh vẫn sa lầy trong tình trạng suy thoái trong tháng 9. Về mặt tích cực hơn, một cuộc khảo sát chính thức về ngành sản xuất của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng.
Bơm thêm nguồn cung dầu thô vào hệ thống, Bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ khởi động lại hoạt động trong tuần này trên đường ống từ Iraq đã bị đình chỉ khoảng 6 tháng.
OPEC+, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga và các đồng minh khác, sẽ nhóm họp vào thứ Tư nhưng khó có khả năng điều chỉnh chính sách sản lượng dầu hiện tại của mình.
Theo Reuters, sản lượng dầu của OPEC tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9 bất chấp việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement