29/12/2023 15:38
GDP bình quân đầu người Việt Nam vượt 100 triệu đồng
Kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 5,05%, cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 10,22 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người Việt Nam vượt 100 triệu đồng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong quý 4 năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng này được đánh giá là cao hơn quý 4 các năm 2012-2013 và 2020-2022, với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%.
Về sử dụng GDP quý 4/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 53,18% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,21%, đóng góp 44,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 2,64%, theo Dân trí.
Như vậy, GDP năm nay tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Với đà tăng trưởng này, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 430 tỷ USD đến cuối 2023. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022, theo thanhtra.com.vn.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).
Đáng chú ý, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).
Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022.
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp