20/08/2020 11:26
Forbes: Ngay cả COVID-19 cũng không thể làm suy yếu thế mạnh về gia công phần mềm của Việt Nam
Forbes cho rằng ngành công nghệ Việt Nam là tấm gương sáng giữa mùa dịch COVID-19 như tình yêu nước, kinh nghiệm chống chọi khó khăn và tư duy đổi mới.
Hội đồng công nghệ của Tạp chí Forbes nhận định: “Khi thế giới đang tìm cách học hỏi từ các quốc gia đã quản lý hiệu quả đại dịch, bảo vệ cuộc sống và sinh kế, Việt Nam đang nổi lên như một tấm gương sáng về khả năng chống chịu xã hội và năng lực công nghệ”.
Tính đến cuối tháng 6/2020, Việt Nam là quốc gia không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 và dưới 400 ca nhiễm. Ngành công nghiệp gia công phần mềm công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn là một động lực ổn định về năng suất, bất chấp các cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và sức khỏe đang ảnh hưởng đến phần lớn thế giới và làm tê liệt các trung tâm ngoại vi như Ấn Độ và Philippines.
Kinh tế Việt Nam vẫn đang hoạt động ổn định giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: Vingroup. |
Ít nhất từ hai năm trước, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để là một nước gia công phần mềm công nghệ nhỏ nhưng hùng mạnh, được đánh giá cao ở châu Á - Thái Bình Dương. Những yếu tố đã giúp Việt Nam trở thành tâm điểm công nghệ phát triển nhanh, giờ đây cũng đang giúp đất nước tồn tại và vươn lên khỏi đại dịch với sự ổn định và mạnh mẽ trong khi các khu vực khác vẫn đang phải vật lộn với COVID-19.
“Làm thế nào mà quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này vẫn ổn định, hoạt động hiệu quả và đáng gờm về mặt kỹ thuật số bất chấp tình trạng hỗn loạn trên diện rộng? Câu trả lời là ở lòng trung thành nghiêm ngặt, cam kết lập làm đúng kế hoạch được giao và khả năng thích ứng của họ”, Hội đồng công nghệ Forbes bình luận.
Lòng trung thành với Tổ quốc
Năm 2018, Tạp chí Forbes từng có bài viết khen ngợi về các điểm mạnh của lực lượng lao động Việt Nam, cụ thể là lòng trung thành. Theo Forbes, hầu hết nhân viên đều trung thành với nơi làm việc của họ. Đó là những biến thể của lòng trung thành trong văn hóa cộng đồng đối với gia đình và đất nước. Lòng trung thành đối với Tổ quốc có thể được nhìn thấy trong sự thành công của chiến lược ngăn chặn và giảm thiểu COVID-19 ở Việt Nam. Mọi người dân đều nhất trí đồng lòng cùng Chính phủ để trở thành “chiến sĩ” chống dịch.
Từ đầu năm 2020, Việt Nam đã có biện pháp kiểm tra nhiệt độ hành khách từ Trung Quốc và đến cuối tháng, nước này bắt đầu đóng cửa biên giới với khách du lịch Trung Quốc. Khi các ca bệnh dần tăng lên, việc giãn cách xã hội toàn quốc nhanh chóng được thực hiện, và những người nhập cảnh phải chịu kiểm dịch bắt buộc. Forbes ví von: “Ở Việt Nam, virus không bao giờ được phép lây lan rộng rãi”.
Nhanh chóng và chặt chẽ, cách tiếp cận từ Chính phủ đã được người dân chấp nhận và tuân thủ trên khắp Việt Nam. “Các đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội và TP.HCM đã nêu gương cho lòng trung thành và tinh thần cộng đồng, cùng nhau chống lại virus”, một thành viên của Hội đồng công nghệ Forbes, cho biết.
Chính phủ và người dân Việt Nam đều đồng lòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN |
Sự trung thành của cộng đồng đã giúp người Việt Nam sớm quay trở lại nơi làm việc và trẻ con được trở lại trường học sau ba tháng gián đoạn. Kiểm tra nhiệt độ và các biện pháp truy tìm tận gốc nguồn bệnh vẫn được duy trì.
Khi được kiểm soát chặt chẽ và được theo dõi nghiêm ngặt đã giúp phần lớn lực lượng lao động không phải lo lắng và căng thẳng. Hàng chục nghìn công nhân kỹ thuật tay nghề cao của Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới với các dịch vụ hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chất lượng cao hay khách hàng khó tính.
Hành động quyết định và nhanh chóng của Chính phủ đã đồng nghĩa với sự trở lại mạnh mẽ của năng suất kinh doanh và tiến bộ công nghệ ở Việt Nam, trở thành một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới có dự báo tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.
Có kinh nghiệm từ SARS, H1N1, thiên tai…
Dịch bệnh và thiên tai có thể làm gián đoạn công việc và cuộc sống không phải là điều mới mẻ đối với Việt Nam. Việt Nam đã có kinh nghiệm chịu đựng dịch SARS năm 2003 và H1N1 năm 2009. Đất nước hình chữ S với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, hằng năm phải đón từ 8-10 cơn bão kèm lũ, lụt, sạt lỡ,…
Biết rõ những thách thức này có thể tàn phá như thế nào đối với sức khỏe và nền kinh tế của một quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch kinh doanh liên tục dựa vào kinh nghiệm đã có trong quá khứ. Khi Chính phủ bắt đầu hành động với COVID-19, một số lượng lớn các doanh nghiệp đã có thể chuyển sang các kế hoạch được thiết lập từ trước, định hình lại hoạt động kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch và làm việc tại nhà.
Các công ty công nghệ tại Việt Nam có kế hoạch làm việc tại nhà chu đáo. Ảnh: Unicef |
Đối với không ít doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, việc tuân thủ chế độ kiểm dịch và làm việc từ xa không phải là một sự kiện “thiên nga đen” như ở nhiều nước khác trên thế giới. Tại NashTech, bộ phận gia công phần mềm toàn cầu của Harvey Nash, các trung tâm gia công tại TP.HCM và Hà Nội đã chuyển sang làm việc từ xa trong vòng chưa đầy 30 ngày theo Kế hoạch liên tục kinh doanh được đặt ra cho thời kỳ dịch bệnh. Đến ngày 24/2, NashTech đang quản lý khối lượng công việc của khách hàng đến 90% công suất và đạt 100% công suất vào ngày 1/3.
Một thành viên của Hội đồng công nghệ Forbes còn cho rằng các công ty Mỹ nên học hỏi doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: “Dựa trên kinh nghiệm của tôi khi làm việc với đội ngũ tại Việt Nam, tôi khuyến các công ty ở Mỹ rằng, điều duy nhất mà các bạn có thể làm để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và hỗ trợ khách hàng thích hợp là thực hiện một kế hoạch hiệu quả cho phép nhân viên làm việc tại nhà một cách nhanh chóng. Nhân viên có thể truy cập nhanh vào tất cả thông tin công ty mà họ cần và các công cụ giao tiếp phù hợp. Bạn cũng sẽ cần thay đổi văn hóa để hỗ trợ mô hình làm việc từ xa hoặc cung cấp cho nhân viên các nền tảng xã hội thích hợp để duy trì sự hợp tác và kết nối với đồng nghiệp”.
Tư duy cởi mở, đổi mới
Trong khi các chuẩn mực xã hội ở Việt Nam có rất nhiều, thì tư duy cởi mở để đổi mới cũng vậy. Những khoản đầu tư ấn tượng vào kinh doanh, giáo dục và cơ sở hạ tầng trên khắp Việt Nam trong hai thập kỷ qua theo Forbes là nguyên nhân giúp chuyển đổi nền kinh tế và hình thành tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Đầu tư rộng rãi cho giáo dục, từ cấp tiểu học đến đại học, đã mang lại một lực lượng lao động có tay nghề cao đang thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh mẽ và đủ kiên cường để chịu đựng những thách thức do đại dịch gây ra.
Trên thực tế, công ty tư vấn chiến lược Tholons đánh giá Việt Nam là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thứ 8 trên thế giới. Các sản phẩm của Việt Nam là kết quả của “quỹ đạo tăng trưởng thành công của đất nước và quốc gia này tiếp tục đóng vai trò là điểm đến gia công phần mềm có giá trị cho những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Google, Apple và Microsoft”.
Forbes cho rằng, người Việt Nam rất cởi mở để thích nghi trong tình hình COVID-19. Ảnh: Finance Times |
Từ khi giãn cách xã hội đến khi dỡ bỏ được lệnh này một cách nhanh chóng, Việt Nam vẫn là đối tác hỗ trợ công nghệ, dịch vụ và sản xuất ổn định cho một thế giới đang gặp khủng hoảng. Forbes kết luận: “Virus có thể đã gây nhiễu loạn thế giới, nhưng ở Việt Nam, lòng trung thành, lập kế hoạch chuẩn xác và sự linh hoạt là yếu tố cần thiết để ngăn chặn virus, ổn định nền kinh tế và nhanh chóng khơi dậy sự đổi mới công nghệ”.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp