25/06/2023 13:09
Fed có khả năng tăng lãi suất vào cuối tháng 7 hay không?
Quyết định giữ nguyên lãi suất có thể chỉ là động thái "chờ" để đánh giá tác động của chính sách tăng lãi suất trong 12 tháng qua. Do vậy, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Bảy.
Theo đánh giá của thành viên Hội đồng Quản trị Cơ quan Đánh giá Italy (OIV), cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân tích Tài chính Italy (AIAF), Antonio Tognoli, quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu có thể chỉ là động thái "chờ" để đánh giá tác động của chính sách tăng lãi suất trong 12 tháng qua. Do vậy, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Bảy tới.
Chỉ số quản lý thu mua sản xuất của Mỹ trong tháng Sáu ước tính là 48,3 thấp hơn 0,1 so với mức 48,4 trong tháng Năm. Trong khi đó, Chỉ số quản lý thu mua dịch vụ là 54, thấp hơn 0,9 so với mức 54,9 trong tháng Năm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ cao hơn một chút so với dự kiến vào ngày 21/6 và phù hợp với tuần trước.
Trong bài phát biểu gần đây tại Hạ viện, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những bình luận cứng rắn về chính sách lãi suất. Do đó, câu hỏi của nhà đầu tư hiện nay là liệu Fed có mang lại lợi ích gì cho thị trường không?
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ ngày 21/6, ông Powell cho biết, Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất nhưng với tốc độ chậm hơn. Chủ tịch Fed nhận định việc nâng lãi suất với tốc độ vừa phải là bước đi “hợp lý”.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất cho vay chuẩn thêm 5 điểm phần trăm, từ mức thấp kỷ lục gần bằng 0 lên 5-5,25%. Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của Fed. Chủ tịch Fed nhận định cuộc chiến chống lạm phát của nước này "còn một chặng đường dài phía trước" để đạt được mục tiêu 2%.
Theo ông Powell, Fed đã nhận thấy tác động của chính sách thắt chặt đối với nhu cầu trong các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như nhà ở. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để thấy được toàn bộ tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là đối với lạm phát.
Người đứng đầu Fed cũng lưu ý căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và tác động của vấn đề này vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy rằng các vị trí tuyển dụng cũng như việc tuyển dụng đều tăng lên, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gần với mức thấp nhất trong 53 năm trở lại đây. Tại thị trường lao động Mỹ, số lượng việc làm có sẵn trong tháng Tư bất ngờ tăng, sau ba tháng sụt giảm.
Hiện có khoảng 1,77 vị trí cần tuyển dụng cho mỗi người tìm việc. Hoạt động tuyển dụng cũng tăng lên, trong khi số lượng nhân viên bị sa thải đã giảm.
Rõ ràng là việc tăng trưởng việc làm là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn vững vàng, đồng thời chi tiêu và đầu tư cũng đang được chứng minh là tương đối mạnh mẽ. Nhưng đây có thể là một trường hợp khác của việc số liệu tích cực là tin xấu đối với Fed. Nếu sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động vẫn tiếp diễn, tiền lương sẽ tăng và gây thêm áp lực cho giá tiêu dùng.
Do đó, quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu không nên được hiểu theo nghĩa là Fed đã đạt đến mức lãi suất tối đa cho chu kỳ này, mà chỉ để chờ đánh giá tác động của chính sách tăng lãi suất trong 12 tháng qua.
Theo đó, ngày càng có nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 25-26/7 tới đây.
Sau cuộc họp cuối cùng vào tháng Sáu, đà phục hồi của thị trường chứng khoán dường như đã thay đổi. Đà giảm bao trùm thị trường chứng khoán thế giới tuần qua. Trong tuần này, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite kết thúc chuỗi 8 tuần tăng điểm, còn chỉ số S&P 500 cũng dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp.
Thị trường nhận định Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cũng đang "cân đo" khả năng tăng trưởng kinh tế chậm lại sau khi tăng trưởng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu yếu hơn dự kiến.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement