Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

EVN nêu lý do vì sao muốn giá điện được điều chỉnh như giá xăng, dầu

Chính sách - Hạ tầng

15/12/2022 09:00

EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, đề xuất này đã khiến dư luận quan tâm. Hiện nay, xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần, vậy giá điện có thể điều chỉnh được như vậy hay không?
news

Tại một hội nghị mới đây, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí "ăn theo" giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay. Do nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố nêu trên, tình hình tài chính của EVN năm 2022 và thời gian tới có rất nhiều khó khăn.

Cũng theo lãnh đạo EVN, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Giá điện có thể được điều chỉnh như giá xăng dầu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chính vì vậy, EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho phép áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện: khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.

Trước đề xuất của EVN, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, điều này phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

"Ngành điện tuy độc quyền nhưng họ cũng sản xuất kinh doanh theo thị trường, nếu xăng dầu có biến động về giá thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành điện. Cho nên việc ngành điện đề xuất áp dụng cơ chế thị trường tôi cho là hợp lý. Ngành điện cứ thua lỗ mãi sẽ không ổn, thua lỗ thì làm sao kinh doanh được, Nhà nước cũng không thể bù đắp cho họ mãi. Do đó, việc ngành điện phải tính toán và nêu đề xuất khắc phục cũng là dễ hiểu", đại biểu Hòa nói.

Tuy nhiên, ông Hòa nhấn mạnh, EVN không thể cộng những chi phí bất hợp lý để đưa vào bù lỗ cho ngành. Do đó, muốn thuyết phục được người dân và các bộ, ngành thì EVN phải công khai chi tiết, chính xác, tỉ mỉ từng khoản lỗ và chi phí sản xuất, chứ không thể chỉ kêu lỗ suốt được. Đại biểu Quốc hội cũng khuyến cáo, việc điều chỉnh giá điện cần phải xem xét kỹ, xem có phù hợp với thực tế hay không, tác động thế nào đến người dân và nền kinh tế, từ đó Bộ Công Thương và Chính phủ mới đi đến quyết định, theo VTC News.

"Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước và Chính phủ phải xem xét lại đề xuất và quan trọng là chi phí của ngành điện có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý thì ngành điện phải cắt bỏ những chi phí không hợp lý. Còn nếu thực tiễn khách quan do giá đầu vào tăng mà ngành điện phải bù lỗ thì cần tăng giá điện. Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét thật kỹ để làm sao vừa phù hợp, ích nước lợi nhà, vừa tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, lợi ích cho người dân và đặc biệt là ưu tiên cho người tiêu dùng, ưu tiên cho những nhà máy sản xuất kinh doanh sử dụng điện", ông Hòa nêu ý kiến.

Cùng bàn luận về vấn đề trên, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng đã nêu rõ, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất, nhưng vì điện là mặt hàng nhạy cảm, có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực nên thời gian không tăng giá cũng đã kéo dài. Hiện, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.

"Pháp lý đã có rồi nhưng vì sao chúng ta không căn cứ vào đó để điều chỉnh giá điện, đó là vì chúng ta giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, việc đề xuất tăng giá điện theo quy luật thị trường bây giờ là có thể hiểu được. Tuy nhiên, tăng như thế nào, tăng bao nhiêu, có tăng, có giảm như thế nào thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát kỹ và chỉ đạo", ông Long nói.

Ông Long cũng nêu dẫn chứng về việc kinh doanh thua lỗ, thu không đủ bù chi như mặt hàng xăng dầu thời gian qua, khi yếu tố đầu vào tăng, nếu kinh doanh mà không bù đắp đủ chi phí thì nhiều doanh nghiệp không nhập xăng dầu, dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Chưa kể việc kinh doanh thua lỗ khiến doanh nghiệp thiếu vốn, nguy cơ phải ngừng sản xuất, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu của người dân và nền kinh tế. Ngành điện cũng đối diện tình trạng đó, nếu thua lỗ kéo dài.

"Chi phí của ngành điện bao gồm bốn khâu gồm: khâu phát điện; khâu truyền dẫn; khâu phân phối, bán buôn, bán lẻ và chi phí quản lý, vận hành. Việc điều hành giá điện như cơ chế điều hành giá xăng dầu, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tôi cho rằng cũng hợp lý", ông Long nêu quan điểm.

Trao đổi với VnBusiness về đề xuất này, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nêu quan điểm xăng dầu và điện là hai ngành năng lượng và đều chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Hiện, cơ chế thị trường đang dần vận hành đối với thị trường xăng dầu, cũng là lúc chúng ta nên tính tới thực hiện đối với mặt hàng điện.

Tuy nhiên, do đặc thù của hai ngành khác nhau, GS. Trần Đình Long, nêu quan điểm để giá điện điều hành 10 ngày 1 lần như xăng dầu thì rất khó bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng dầu mua hàng ngày. Do vậy, cơ quan quản lý có thể xem xét nên quy định chu kỳ bao nhiêu thì điều chỉnh, và điều chỉnh với biên độ ra sao. Nếu giới hạn thấp, EVN được phép điều chỉnh và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước nhưng nếu biên độ cao thì phải xin phép trước.

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho hay đã có đề xuất nên xem xét điều chỉnh giá điện 6 tháng một lần, điều này nhằm mục đích đưa mặt hàng này vận hành sát cơ chế thị trường, có tăng - có giảm theo thị trường.

Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá thực tế việc giá điện đứng im 3 năm nay không thay đổi cũng đang khiến EVN đứng trước thách thức lớn về chi phí, lợi nhuận, chỉ số lợi nhuận… Do vậy, khả năng trong thời gian tới, giá điện phải được điều chỉnh tăng.

Ông Doanh đồng tình với phương án giá điện sẽ tăng, tuy vậy vị chuyên gia này cho rằng mức tăng bao nhiêu cần phải dựa vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

"Hiện nay, nền kinh tế mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá điện tăng quá mạnh sẽ tác động lớn tới sự phục hồi, ảnh hưởng tới giá thành cạnh tranh của hàng Việt Nam ở thị trường quốc tế", chuyên gia Lê Đăng Doanh lưu ý.

Còn câu chuyện để điều chỉnh giá điện như giá xăng, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng rất khó khả thi bởi cơ chế vận hành của thị trường điện khác xăng dầu, nói cách khác là thị trường bán lẻ điện chưa có cạnh tranh. Vì vậy, nếu sắp tới, EVN đề xuất tăng giá điện thì cũng cần tới hội đồng độc lập gồm các chuyên gia có kinh nghiệm thẩm định những lý do, chi phí giá thành sản xuất, đầu tư của đơn vị này để tạo sự minh bạch.

Chia sẻ với truyền thông, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu giữ nguyên mức giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Trong năm 2022, dự kiến ngành điện sẽ thua lỗ trên dưới 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu giá điện vẫn giữ nguyên thì việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân vì gia đình nào cũng đều phải sử dụng điện như một sản phẩm thiết yếu. Thậm chí có thể dẫn tới một bộ phận không nhỏ gia đình vừa thoát nghèo không khéo lại tái nghèo, còn với hộ nghèo mong thoát nghèo sẽ càng khó khăn hơn.

Cùng với đó, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh. Việt Nam có tới 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn, yếu kém về tài chính, giờ thêm giá đầu vào sản xuất tăng. Sau quá trình trải qua dịch COVID-19, giờ lại thêm một cú sốc nữa, liệu rằng doanh nghiệp có chịu đựng được hay không?

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ