22/10/2020 06:54
EU mạnh tay với nạn mua bán 'hộ chiếu vàng' của các nước thành viên
Sau một loạt bê bối bị phanh phui gần đây của Cộng hòa Cyprus liên quan đến chương trình đổi tiền để lấy visa đầy tranh cãi, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành các biện pháp mạnh tay hơn khi cho biết sẽ khởi kiện đối với các chương trình của quốc đảo Cyprus và Malta cấp "hộ chiếu vàng" cho nhà đầu tư sau những chỉ trích hình thức này đang bị tội phạm lợi dụng phục vụ các hoạt động rửa tiền và tham nhũng.
Bê bối chương trình “hộ chiếu vàng” của Cyprus
Những bê bối về chương trình “hộ chiếu vàng” của Cyprus bắt đầu bị phanh phui hồi tháng 8/2020 khi hãng tin tức Al Jazeera (Qatar) đã công bố Hồ sơ Cộng hòa Cyprus, kho lưu trữ gần 1.400 tài liệu cho thấy nước này đã cấp hộ chiếu cho những tội phạm bị kết án ở quê nhà và nhiều kẻ từng bị Interpol truy nã. Cuộc điều tra của hãng tin tức Al Jazeera cho thấy, các chính trị gia cấp cao của Cộng hòa Cyprus sẵn sàng giúp người nước ngoài, kể cả có tiền án, có được hộ chiếu nước này.
Đầu tháng 9/2020, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades cũng thừa nhận có một số thiếu sót trong Chương trình Đầu tư quốc tịch (CIP) của nước này. Do đó, ông Anastasiades cho biết Cyprus sẽ áp dụng nhiều biện pháp để quản lý hiệu quả hơn như thắt chặt các quy tắc về cấp hộ chiếu, bao gồm tuân thủ luật chống rửa tiền, giám sát chặt chẽ hơn và thẩm định kỹ lưỡng cho thấy chương trình hộ chiếu của Cyprus phù hợp với các chính sách của EU.
Mặc dù vậy, ngày 12/10, Ban Điều tra của Al Jazeera đã tiếp tục phanh phui vụ bê bối trên bằng việc công bố một đoạn hội thoại được quay lén, trong đó cho thấy Chủ tịch Quốc hội Demetris Syllouris - nhân vật quyền lực thứ hai và nghị sĩ Christakis Giovani - thành viên đảng cánh tả AKEL lớn thứ hai của Cộng hòa Cyprus hứa dùng ảnh hưởng của mình để cấp hộ chiếu cho một doanh nhân Trung Quốc có tiền án thông qua Chương trình Đầu tư quốc tịch (CIP). Được biết, kể từ khi bắt đầu được triển khai năm 2013, CIP đã thu được hơn 8 tỷ USD.
Ngay sau khi vụ việc trên bị phanh phui, Chính phủ Cộng hòa Cyprus ngày 13/10 đã phải thông báo dừng triển khai chương trình cấp "hộ chiếu vàng" đầy tranh cãi, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới. Chủ tịch Quốc hội Cyprus Demetris Syllouris cũng đã phải công khai xin lỗi công chúng vì hình ảnh tiêu cực cũng như bê bối mà mình gây ra, mặc dù ông vẫn cho rằng hành vi của mình là “không vi phạm pháp luật". Nhưng sau đó ông Syllouris đã phải xin từ chức vào ngày 15/10 vừa qua.
Ảnh minh họa |
Trước những bê bối, Văn phòng Tổng chưởng lý của Cyprus cho biết bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra hình sự từ ngày 20/10, bởi “những gì Al Jazeera đăng tải đang gây phẫn nộ, tức giận và lo ngại trong dân chúng”. Vừa qua, hàng trăm người đã tập trung ở Thủ đô Nicosia để biểu tình chống tham nhũng và kêu gọi các quan chức có liên quan từ chức.
Cộng hòa Cyprus gia nhập EU năm 2004 và lâu nay vẫn cấp hộ chiếu cho công dân những nước ngoài EU đầu tư tối thiểu 2 triệu euro vào kinh tế đảo quốc, thường thông qua bất động sản. Theo chương trình "hộ chiếu vàng" này thì chỉ với khoản đầu tư tài chính tối thiểu 2 triệu euro là một người nước ngoài có thể nhận được hộ chiếu của Cyprus. Điều này cũng đồng nghĩa rằng người đó có thể di chuyển tự do trong EU vì CH Cyprus là thành viên của liên minh (gia nhập năm 2004).
Tuy nhiên, Chương trình Đầu tư quốc tịch (CIP) này đã để lộ nhiều yếu kém dễ bị lợi dụng. Thực tế, khá nhiều chính trị gia tham nhũng nước ngoài đã tung tiền để mua hộ chiếu Cộng hòa Cyprus, vốn cho phép người sở hữu tự do đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tại 27 quốc gia thành viên EU. Đơn cử như tháng 11/2019, Jho Low, nghi phạm trong vụ bê bối làm thất thoát hàng tỷ USD trong quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia, được phát hiện đã có hộ chiếu Cộng hòa Cyprus từ tháng 9/2015. Sau khi vụ việc bị rò rỉ, nhà chức trách Cộng hòa Cyprus đã thu hồi hộ chiếu đã cấp cho ông Low cũng như 25 nhà đầu tư ngoại “có vấn đề” khác, bao gồm 9 người Nga, 8 người Campuchia và 5 người Trung Quốc.
Biện pháp mạnh tay của EU
Vụ bê bối mới tại Cyprus thực ra chỉ là “giọt nước tràn lý” bởi kể từ khi Cyprus bắt đầu thực hiện chương trình CIP, Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích mạnh mẽ cơ chế này, cho rằng nó có thể là cửa sau để vào phần còn lại của châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) đã nhiều lần chỉ trích Cyprus và Malta về các quy định đầu tư đổi quốc tịch rất lỏng lẻo. EC cho rằng các chương trình này có thể bị lợi dụng, phục vụ các hoạt động rửa tiền và tham nhũng.
Hiện nay, ngoài Cyprus còn có 3 quốc gia thành viên EU cung cấp hộ chiếu và 12 quyền định cư thương mại thông qua chương trình "hộ chiếu vàng", gồm Bulgaria, Malta và Bồ Đào Nha.
Tại Malta, cơ chế “bán” hộ chiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu từ năm 2014. Các nhà đầu tư có thể được cấp hộ chiếu nếu đóng góp 756.000 USD cho quỹ phát triển quốc gia, đầu tư 174.000 USD vào cổ phiếu hoặc trái phiếu được chính phủ phê duyệt, mua bất động sản tối thiểu 407.000 USD và cam kết cư trú trong ít nhất 5 năm. Tháng trước, nhà chức trách Malta đã bắt giữ Chánh văn phòng của cựu Thủ tướng Joseph Muscat để điều tra việc bị cáo buộc có hành vi “lại quả” liên quan đến chương trình mua bán “hộ chiếu vàng”.
Trong khi đó, công dân các nước không thuộc EU có thể sở hữu hộ chiếu Bồ Đào Nha với điều kiện mua bất động sản với giá trị tối thiểu là 580.000 USD. Với những khu vực thưa dân hoặc nằm trong diện tái phát triển, số tiền phải đầu tư sẽ ít hơn. Bulgaria cũng là nước cung cấp hộ chiếu và 12 quyền định cư thương mại thông qua chương trình “hộ chiếu vàng”.
Tổ chức phi chính phủ Minh bạch quốc tế (Transparency International) của Đức cho biết trong giai đoạn 2008-2018, EU đã chào đón thêm 6.000 công dân và gần 100.000 cư dân thông qua chương trình "hộ chiếu vàng". Cơ chế “hộ chiếu vàng” cũng đã đem lại cho EU đến 25 tỷ euro đầu tư nước ngoài trực tiếp trong 10 năm qua. Nhưng sau cuộc điều tra của hãng tin tức Al Jazeera (Qatar), nhiều người đã lên tiếng kêu gọi thay đổi chương trình đầu tư lấy hộ chiếu mà Cyprus và các quốc gia thành viên EU khác đang áp dụng.
Từ năm 2019, Ủy ban châu Âu đã công bố một báo cáo điều tra về “hộ chiếu vàng” trong đó nêu bật các rủi ro về bảo mật, rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng và nguy cơ để lọt tội phạm nước ngoài cư trú và đi lại tự do trong lãnh thổ EU, đồng thời yêu cầu các nước thành viên siết chặt kiểm tra đối với những người ngoài khối muốn có quyền công dân thông qua hoạt động đầu tư.
Tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tuyên bố Ủy ban này sẽ cân nhắc một số biện pháp gây sức ép lên các quốc gia thành viên nhằm chấm dứt chương trình bán “hộ chiếu vàng”, thậm chí có thể kiện chính phủ các nước này ra tòa. Bà thậm chí còn khẳng định rằng “Các giá trị của châu Âu không phải để đem bán”. Theo bà Leyen, EU không thể dung thứ cho các hành vi xâm phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Bà khẳng định “sẽ tiếp tục bảo vệ tính toàn vẹn của các tổ chức châu Âu”.
Mới đây nhất, ngày 19/10, EU cho biết sẽ khởi kiện đối với các chương trình của quốc đảo Cyprus và Malta cấp "hộ chiếu vàng" cho nhà đầu tư sau những chỉ trích hình thức này đang bị tội phạm lạm dụng. Cơ sở pháp lý mà Ủy ban châu Âu dựa vào để khởi kiện hai nước Cyprus và Malta là nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic thông báo các thủ tục tố tụng sẽ bắt đầu từ ngày 20/10. Ông Sefcovic nhấn mạnh EC đã bày tỏ lo ngại sâu sắc với các quốc gia thành viên có liên quan về những sơ hở trong các chương trình đầu tư này, và những diễn biến mới đây tái khẳng định mối quan ngại. Ủy ban sẽ tiếp tục làm việc với Cyprus và Malta để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, việc EC khởi kiện hai nước thành viên Cyprus và Malta được coi là bước đi đầu tiên nhằm lập lại trật tự trong liên minh châu Âu.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement