23/01/2019 08:50
EU có thể làm gì để tránh Brexit "cứng"?
Thỏa thuận "ly hôn" và tuyên bố chính trị đã được đàm phán bởi 27 nước EU với thái độ nghiêm túc được Thủ tướng Anh xác định đầu năm 2017.
Sau khi "kế hoạch A" Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ ngày 15/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã trình bày "kế hoạch B" ngày 21/1 với mong muốn thực hiện Brexit đúng theo dự kiến là ngày 29/3.
Báo chí châu Âu nhận định người châu Âu hiện giờ mong đợi Vương quốc Anh cuối cùng sẽ đi đến thống nhất về Brexit, hoặc thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Brexit không phải là lựa chọn của tất cả người dân Anh. Ảnh minh họa: express |
Giới truyền thông châu Âu cho rằng người châu Âu - vốn bị lên án là " như khán giả" trong cuộc "ly hôn" này - cần phải giúp người Anh thoát khỏi tình trạng bế tắc, ít ra cũng là để tránh phương án "không thỏa thuận". Tình huống "không thỏa thuận" gần như chắc chắn xảy ra nếu không có giải pháp tích cực nào được đưa ra kịp thời từ bên kia biển Manche.
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần nhắc lại rằng bản thỏa thuận "ly hôn" 585 trang là không thể thương lượng lại. Tuy nhiên, EU vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán thêm về 20 trang của tuyên bố chính trị đi kèm thỏa thuận này.
Thỏa thuận thực tế đã đáp ứng 3 trường hợp then chốt: Thứ nhất, bảo toàn vị thế của gần 5 triệu kiều dân - người châu Âu cũng như người Anh - sau ngày 29/3; Thứ hai, đảm bảo rằng Vương quốc Anh tiếp tục thanh toán phần của mình trong ngân sách nhiều năm của EU như đã cam kết; Thứ 3, giữ nguyên thỏa thuận hòa bình "thỏa thuận thứ Sáu tốt lành" giữa Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland, điều này đồng nghĩa với việc tránh sự xuất hiện trở lại của một biên giới cứng trên đảo Ireland sau Brexit.
Thỏa thuận "ly hôn" và tuyên bố chính trị đã được đàm phán bởi 27 nước EU với thái độ nghiêm túc tôn trọng các "ranh giới đỏ" được Thủ tướng Anh xác định vào đầu năm 2017. "Ranh giới đỏ" của bà Theresa May là đưa nước Anh ra khỏi cả Thị trường đơn nhất và Liên minh thuế quan.
Cả hai văn bản này cũng có tính đến hình thức "chốt chặn" Ireland mà bà May đã yêu cầu vào tháng 10 vừa qua. Bị mắc kẹt bởi đảng nhỏ Dân chủ Liên hiệp (DUP) tại Bắc Ireland, bà May yêu cầu rằng một điều khoản "chốt chặn" để chống lại việc quay trở lại của một đường biên giới cứng ở Ireland chỉ là tạm thời, với sự tham gia một phần của nước Anh vào Liên minh thuế quan.
Trong "kế hoạch B", nếu bà May quay lại với ranh giới đỏ và kêu gọi sự tham gia thường trực của Anh vào Liên minh thuế quan, hoặc ngay cả khi bà đề nghị rằng cuối cùng Anh không rời khỏi thị trường đơn nhất, người châu Âu sẽ tuân thủ bằng cách sửa đổi "mối quan hệ tương lai". Họ sẽ hướng tới một thỏa thuận thương mại và chính trị theo mô hình Na Uy hay Thổ Nhĩ Kỳ? Tại sao không, miễn là các nguyên tắc hoạt động của thị trường nội khối được tôn trọng; trước hết là 4 quyền tự do lưu thông về vốn, con người, dịch vụ và hàng hóa.
Đối với bất kỳ "kế hoạch B" nào do bà May đề xuất, người châu Âu sẽ tiếp tục yêu cầu "chốt chặn", một yếu tố bảo đảm chống lại sự trở lại của biên giới cứng ở Ireland. Trên thực tế, dù có tham gia liên minh thuế quan hay không, việc tham gia một thị trường đơn nhất sẽ yêu cầu kiểm dịch thực vật, ít nhất, để đảm bảo rằng hàng hóa đến từ Bắc Ireland và vào Cộng hòa Ireland sẽ tuân thủ các quy tắc của châu Âu.
Để tránh những biện pháp kiểm soát này, EU sẽ tiếp tục yêu cầu sự liên kết pháp lý của Bắc Ireland với EU, ít nhất là đối với hàng hóa công nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp cũng như thực phẩm.
Còn một câu hỏi nữa đặt ra là họ sẽ chấp nhận rằng "chốt chặn" được giới hạn chính xác trong một thời gian, như bà May yêu cầu? Rất khó có khả năng 27 nước EU sẽ nhượng bộ bởi điều đó sẽ khiến EU mất đi khả năng bảo hiểm "mọi rủi ro". Hay sẽ có một thỏa thuận song phương Dublin-London để tránh "chốt chặn", như báo chí Anh đưa tin vào ngày 18/1? Dublin ngay lập tức bác bỏ ý tưởng này.
Theo họ, biên giới tương lai cần tránh ở Ireland sẽ là biên giới của EU với một nước thứ ba, do đó cần có thỏa thuận với EU. Liệu Thủ tướng Anh có chơi con bài cận kề thời hạn vẫn giữ quan điểm Brexit "cứng" để người châu Âu mất tinh thần và lựa chọn "thả" Cộng hòa Ireland ?
Rất khó có khả năng EU sẽ nhượng bộ theo cách này vì làm như vậy là bỏ qua lợi ích sống còn của một trong những thành viên để ủng hộ một nhà nước thứ ba trong tương lai. Cho đến nay, EU luôn đặt lợi ích của các thành viên lên trên các bên thứ ba, ngay cả đối với những quốc gia nhỏ nhất.
Có lẽ các nhà ngoại giao châu Âu đang vô cùng tức giận vì các cuộc đàm phán Brexit - đã diễn qua gần 2 năm qua - có thể sẽ trở thành vô ích. Nếu được lựa chọn, nhiều người trong số họ dường như sẵn sàng chấp nhận phương án "không thỏa thuận".
Tuy nhiên, liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có sẵn sàng chịu trách nhiệm quá lớn trước một Brexit không thỏa thuận? Điều này là không thể, không chỉ vì lý do địa chính trị mà còn cả về chính trị nội bộ tại các nước thành viên đang gặp vô vàn khó khăn. Một nhà ngoại giao ở Brussels nhận định các nhà lãnh đạo muốn tránh thảm họa.
Advertisement
Advertisement