17/07/2019 08:16
Đừng để Việt Nam là nơi 'quá cảnh' của hàng hóa Trung Quốc
Đó là chia sẻ của TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường chính sách công và Quản lý Fulbright, tại chương trình từ thương chiến Mỹ - Trung Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Nếu lọt vào "danh sách đen", doanh nghiệp Việt khó xuất khẩu sang những thị trường khác
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra, nó ít nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng đô la Mỹ trong khi đó đồng tiền Việt Nam tăng giá so với đồng nhân dân tệ.
Đó cũng là một trong những lý do khiến lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu sang Việt Nam ngày càng nhiều, và hạn chế hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
TS Vũ Thành Tự Anh |
Thứ hai là do những mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ trước đây của Trung Quốc chịu thuế suất thấp thì bây giờ chịu thuế suất trừng phạt rất cao nên họ phải tìm đường sang Mỹ bằng nhiều cách khác nhau.
"Đây là lý do chúng ta có quyền nghi ngờ những mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Ví dụ như hàng điện tử và nội thất, trong 5 tháng đầu năm có sự tăng trưởng đột biến từ Trung Quốc sang Việt Nam và xuất khẩu đột biến từ Việt Nam sang Mỹ", TS Tự Anh nói.
Tuy nhiên, theo TS Tự Anh, chưa đủ chứng cứ để chứng minh đó là hàng quá cảnh của Trung Quốc sang Mỹ. Nhưng có quyền nghi vấn, vì trên thực tế trong số các hàng hóa của Trung Quốc bị áp đặt thuế, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương ứng với các mặt hàng đó chỉ khoảng 13 tỷ đô la, điều đó có nghĩa nó chỉ chiếm từ 6 đến 7% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Giả sử có một sự thay đổi về thuế suất, nhưng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng không thể nào tăng đột biến như vậy. Tuy nhiên cần phải có những cuộc điều tra và khảo sát đầy đủ để chứng minh rằng có hàng Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam hay không.
Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, cần phải nhớ một bài học rất đắt giá từ thép Việt Nam, đấy là bài học không được phép lặp lại. Điều Việt Nam cần làm bây giờ là phải chủ động có những cuộc đối thoại với Mỹ, cho họ biết rằng chúng ta nhận biết được vấn đề này, người Việt Nam đang tìm cách giải quyết và nhờ sự hỗ trợ từ họ.
Việt Nam không nên đơn phương giải quyết và đợi đến khi Mỹ tuýt còi thì mới vận động thì quá muộn. Đồng thời Việt Nam cũng cần đối thoại với chính quyền Trung Quốc để hạn chế những rủi ro cho kinh tế Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam cần phải cảnh báo doanh nghiệp, đừng chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà quên đi những tai hại lâu dài và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế Việt Nam thì các doanh nghiệp cần chấm dứt những việc làm đó.
"Về luật pháp Việt Nam cần phải có những biện pháp, theo dõi giám sát để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng Trung Quốc quá cảnh tại Việt Nam. Nó không tạo ra những giá trị đáng kể để phân loại hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Những chính sách đó nằm về phía chính phủ, doanh nghiệp và hiệp hội các ngành nghề. Để Việt Nam không rơi vào tình cảnh “lợi chưa tới đâu mà hại thì ngay trước mắt”, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết.
Theo ông Nestor Sherbey, Chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GTFA), đối với mặt hàng nông thủy sản, rau củ, quả… chủ yếu có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng những sản phẩm thiết bị cơ khí, điện – điện tử… được cấu thành từ nhiều linh kiện khác nhau nên cần chứng minh, công khai trong hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.
Hải quan Mỹ không chỉ xem xét chứng nhận của Việt Nam mà cơ quan này có phương pháp kiểm tra, giám sát riêng nên đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch hồ sơ xuất nhập khẩu.
Nếu Hải quan Mỹ và cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ đưa vào "danh sách đen" thì doanh nghiệp cũng khó xuất nhập khẩu hàng hóa sang những thị trường khác.
Việt Nam cần có nội lực mạnh
Rất nhiều câu hỏi đặc ra tại sao Việt Nam chưa tận dụng cơ hội từ các lợi thế bên ngoài để phát triển kinh tế. Theo ông Vũ Thành Tự Anh, muốn tận dụng các cơ hội thương mại một cách thành công, trước tiên phải xem lại chính mình. Cơ hội thì luôn có, nhưng chúng ta chưa đủ năng lực nên chưa tận dụng được tối đa những cơ hội đến từ bên ngoài.
Thứ hai về mặt chính sách của nhà nước chưa có những hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách kinh doanh. Ví dụ như chi phí về Logistics vận chuyển Việt Nam rất cao, dù hàng hóa Việt Nam có rẻ thì khi sang các thị trường xuất khẩu khác, giá vẫn đắt nên rất khó cạnh tranh.
Thứ ba là trong cuộc chiến Mỹ Trung, hàng hóa Việt Nam bị cạnh tranh với rất nhiều thị trường khác vì không chỉ Việt Nam là đất nước duy nhất có lợi mà còn rất nhiều quốc gia khác hưởng lợi từ việc này: Malaysia, Indonesia, Bangladesh... khi Việt Nam không đủ sức cạnh tranh thì nước khác sẽ được lợi nhiều hơn chúng ta.
Cuối cùng bài toán đặt ra là làm thế nào để nâng cao được năng lực của mình? làm thế nào để tạo ra môi trường chính sách thông thoáng để giảm chi phí cho doanh nghiệp? Từ đó mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Đó mới là gốc rễ của vấn đề.Còn cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là một trong những cơ hội từ bên ngoài như muôn ngàn cơ hội khác.
Các chuyên gia đã có những chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức với nền kinh tế Việt Nam |
Việt Nam làm thế nào để nâng cao được năng lực nội địa, năng lực doanh nghiệp, môi trường kinh doanh tốt thì Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Mỹ mà xuất khẩu sang nhiều thị trường khác đặc biệt là cơ hội mới từ hiệp định vừa ký EVFTA.
Trên thực tế, mức độ hưởng lợi của chúng ta từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Hiệp định EVFTA, hay nền công nghiệp 4.0... còn rất nhiều hạn chế so với kỳ vọng của chúng ta. Điều đó cho thấy vấn đề không nằm ở bên ngoài mà nằm chính ở nội lực của Việt Nam.
Liên quan đến EVFTA, bà Magdalena Krakowiak, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đơn cử trong ngành dệt may có thể kể đến vấn đề thúc đẩy nâng cấp chuỗi cung ứng nhằm được công nhận nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam.
Trong đó, từ khâu vải đến các giai đoạn khâu, may, cắt… đòi hỏi phải ở Việt Nam nên doanh nghiệp cần giải quyết những vấn đề này, nếu muốn công nhận sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam để khai thác hiệu quả lợi ích từ EVFTA.
Ngoài ra, Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên vật liệu từ những quốc gia có FTA với Việt Nam hoặc EU mới được thị trường EU công nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Advertisement
Advertisement