13/04/2024 08:29
'Đua' mở khu công nghiệp
Cùng với dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, thị trường khu công nghiệp đang diễn ra cuộc đua mở rộng nguồn cung giữa các nhà phát triển dự án.
Liên tiếp công bố dự án mới
Tính từ đầu năm đến ngày 20/2/2024, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với diễn biến tích cực của dòng vốn nước ngoài, các nhà phát triển khu công nghiệp trong nước đang rốt ráo chuẩn bị nguồn cung sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đầu tư gia tăng.
Những ngày đầu tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 221/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Trường hợp khác, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II - Giai đoạn 2 (Thái Nguyên) đã được giao cho Công ty cổ phần Viglacera Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 300 ha, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - Giai đoạn 1 (Tây Ninh) với quy mô vốn 2.350 tỷ đồng được Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (VRG) thực hiện.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2024, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC) được UBND tỉnh Bình Thuận trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Thuận quy mô 5.000 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 20.000 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 2/2024, Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hàn (Bắc Giang) mở rộng quy mô 147,31 ha, tổng vốn đầu tư 1.236,7 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, Công ty cổ phần Le Delta được giao dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Sơn cũng tại Bắc Giang quy mô 123,94 ha, tổng vốn đầu tư 1.836 tỷ đồng.
Đón đầu dòng vốn FDI đang tăng nhanh
Động thái đẩy mạnh đầu tư phát triển dự án của các nhà phát triển khu công nghiệp trong nước ngay từ đầu năm 2024 được xem là “bước chạy đà” để đón đầu dòng vốn FDI có xu hướng tăng nhanh khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh kiêm Giám đốc Kỹ thuật dự án, Công ty cổ phần Long Hậu đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất và hậu cần mới do tiếp giáp với Trung Quốc và có sự liên kết chặt chẽ với thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại (FTA). Do đó, sự dịch chuyển sản xuất tới Việt Nam sẽ còn được thúc đẩy trong thời gian tới, đặc biệt là chiến lược phân bổ sản xuất “Trung Quốc+1”. Các nhà đầu tư đến từ Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc có chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ gia tăng tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
“Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các ngành, lĩnh vực đã cơ bản hoàn thiện chuỗi cung ứng như điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, y tế…”, ông Hiếu nói, đồng thời cho biết, Khu công nghiệp Long Hậu đang được mở rộng thêm 90 ha và dự kiến mở thêm 150 ha về phía Cảng quốc tế Long An. Các dự án mới này đóng vai trò là khu vực sản xuất gắn liền với hệ thống kho cảng của TP.HCM và tỉnh Long An.
Ngoài ra, Long Hậu đang triển khai Khu công nghiệp An Định (huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long) quy mô 200 ha, là khu công nghiệp dịch vụ đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ, nơi tập kết nguồn nguyên vật liệu, phù hợp phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ logistics, chế biến thực phẩm, nông sản và may mặc.
Ông Trương Khắc Nguyên Minh - Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam cũng nhìn nhận, với việc góp mặt trong 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới cùng chính sách thu hút đầu tư cởi mở đang đặt Việt Nam ở một vị thế rất tốt, thuận lợi cho việc đón các dòng vốn mới.
“Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm đáng kể đến các sản phẩm kho xưởng xây sẵn nhờ vào chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các ngành mang giá trị cao như điện tử, linh kiện bán dẫn…”, ông Minh nói và chia sẻ thêm, KCN Việt Nam đang tiếp tục mở rộng quỹ đất, phát triển dự án mới ở nhiều địa phương nhằm đáp ứng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng mạnh mẽ hiện nay.
Còn ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Fuji Group, đơn vị đang triển khai các dự án Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (Bắc Giang), Khu công nghiệp Việt Hàn (Bắc Giang), Cụm công nghiệp Trần Cao - Quang Hưng (Hưng Yên), Cụm công nghiệp Phú Thị - Giai đoạn 2 (Hà Nội) cho hay, bối cảnh hiện tại đang mang đến nhiều cơ hội cho các nhà phát triển khu công nghiệp trong nước khi nhu cầu thuê đất từ nhà đầu tư nước ngoài gia tăng.
“Fuji Group cũng đang nhận được nhiều đơn hàng, trong đó nhiều khách thuê quy mô khá lớn đòi hỏi mặt bằng rộng để triển khai dự án càng sớm càng tốt”, ông Giang nói.
Luật sư Huỳnh Đại Thắng - Luật sư hợp danh, Trưởng văn phòng Hà Nội DFDL đánh giá, môi trường đầu tư Việt Nam đang cho thấy sự hấp dẫn khi thu hút được nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới, từ đó mang đến cơ hội thu hút đầu tư cũng như gia tăng tỷ lệ lấp đầy cho các khu công nghiệp.
Ông Thắng cho biết, các nhà sản xuất trên khắp thế giới đang tìm đến Việt Nam vì muốn có chứng nhận xuất xứ ở Việt Nam để thuận lợi cho công tác xuất khẩu. ESG là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững. Các nhà đầu tư toàn cầu không chỉ nhắm tới mục tiêu lợi nhuận, mà còn hướng tới các yếu tố “xanh”. Bởi vậy, ngày càng nhiều nhà phát triển dự án tham gia tích cực vào ESG. Điều này là phù hợp và cần thiết với Việt Nam trong thực thi cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp