16/12/2019 17:19
Dự báo khủng hoảng Hong Kong 2020: "Đường hầm dài"
Các khu vực bán lẻ, du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí và giao thông đã bị tác động mạnh mẽ bởi các cuộc biểu tình và những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo nhận định của báo The Straits Times ngày 13/12, mặc dù tình trạng bạo lực tạm lắng trong những tuần gần đây, nhưng tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở Hong Kong sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020 cùng với các vấn đề có liên quan khác. Điều này là do người biểu tình và chính phủ đang rơi vào thế bế tắc, bất chấp việc dự luật dẫn độ vốn châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của thành phố này đã được rút lại.
Ngày 12/12, hàng nghìn người đã tập trung tại một công viên ở trung tâm khu tài chính này để kỷ niệm 6 tháng, ngày xảy ra cuộc xung đột lớn đầu tiên với cảnh sát khi người biểu tình cản trở các nhà lập pháp thúc đẩy dự luật dẫn độ. Việc phản đối dự luật và cái mà những người chỉ trích cho là sự tàn bạo của cảnh sát trong việc đối phó với người biểu tình đã đem lại động lực cho các phong trào biểu tình và biến chúng thành phong trào chống chính phủ rộng rãi hơn. Điều này đã dẫn đến các cuộc xung đột giữa những người biểu tình cực đoan và cảnh sát chống bạo loạn.
Được hỏi “Liệu có ánh sáng ở cuối đường hầm hay không?”, ông Edmund Cheng, Phó giáo sư về chính sách công của trường Đại học Baptist Hong Kong, nhận định: “Đường hầm này rất dài”. Ông đồng thời lưu ý phong trào này giờ đây đang chuyển sang một giai đoạn mới. Ông dự đoán sẽ có nhiều cuộc tập hợp thường xuyên, nhiều cuộc biểu tình dựa vào cộng đồng và nhiều cuộc thương lượng mang tính thể chế hơn, song cho rằng các cuộc đối đầu sẽ bớt căng thẳng hơn.
Phó giáo sư Alfred Wu thuộc trường Chính sách công Lý Quang Diệu tin rằng các cuộc biểu tình quy mô nhỏ sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới, còn cuộc biểu tình quy mô khoảng 2 triệu người như hồi tháng 6/2019 sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những vấn đề rắc rối liên quan sẽ nảy sinh do ý thức trách nhiệm của thành phố đang suy giảm.
Ông Wu nhận xét: “Sự mục ruỗng của thể chế đang xảy ra ở Hong Kong. Trong quá khứ, họ có một hệ thống có tổ chức, hay ít nhất là có sự kiểm soát và cân bằng. Nhưng giờ đây, họ đã chuyển sang mô hình Trung Quốc. Vì vậy, cảnh sát Hong Kong sẽ có ảnh hưởng rất lớn, ít nhất trong đời sống chính trị hàng ngày của Hong Kong. Người dân ở Hong Kong sẽ không chấp nhận mô hình này nhưng Bắc Kinh tin rằng nó sẽ góp phần duy trì sự ổn định”.
Chuyên gia tư vấn về chính trị và rủi ro Steve Vickers cho rằng phong trào biểu tình ở Hong Kong đã được khích lệ bởi những thắng lợi gần đây. Những thắng lợi này bao gồm: chiến thắng áp đảo của những người ủng hộ dân chủ tại cuộc bầu cử hội đồng cấp quận, Chính phủ Mỹ thông qua Luật nhân quyền và dân chủ Hong Kong và quyết định của Tòa phúc thẩm Hong Kong ủng hộ phán quyết của Tòa sơ thẩm rằng lệnh cấm đeo mặt nạ của chính quyền Hong Kong là vi hiến.
Chuyên gia này nói: “Phong trào này càng tiếp tục kéo dài, khả năng can dự của các bên tham gia khác càng lớn, trong đó có các chính phủ nước ngoài, các nhóm lợi ích về kinh doanh và những bên có chương trình nghị sự liên quan”. Hong Kong có thể dễ bị tổn thương trước các cuộc nổi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là nếu người biểu tình sẵn sàng sử dụng bạo lực cực đoan hay bom.
Việc cảnh sát tiến hành các vụ bắt giữ, thu hồi súng đạn và vật liệu nổ cho thấy tình trạng bạo lực và mất trật tự hơn nữa sẽ là những mối đe dọa thực sự, mặc dù cảnh sát có khả năng kiềm chế được mối đe dọa này.
Bên cạnh đó, ông Cheng tiếp tục nhận định các biện pháp có mục tiêu như các cuộc cải cách nhằm đảm bảo lực lượng cảnh sát duy trì được tính chuyên nghiệp của mình ở cấp chính quyền có thể làm dịu tình hình. Một cách để báo hiệu rằng chính quyền đang sẵn sàng xây dựng lại lòng tin trong xã hội là tiến hành những cải cách xã hội nào đó thậm chí dù có thể có rất nhiều hạn chế về chính trị, nhưng ít nhất đây được coi là một bước tiến.
Các khu vực bán lẻ, du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí và giao thông đã bị tác động mạnh mẽ bởi các cuộc biểu tình và những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhà kinh tế Carie Li thuộc Ngân hàng OCBC cho rằng những lĩnh vực này sẽ tiếp tục suy yếu trong ngắn hạn. Bà dự báo nền kinh tế Hong Kong sẽ thu hẹp còn 1,1% trong năm nay, từ mức tăng trưởng GDP 3% năm 2018. Nền kinh tế vùng lãnh thổ này vốn đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý 3/2019 sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những quý tiếp theo.
Mặc dù các biện pháp cứu trợ của chính quyền trong năm nay có khả năng dẫn đến thâm hụt tài chính vào năm 2020, lần đầu tiên trong vòng 16 năm qua ở Hong Kong song nguồn dự trữ tài chính mạnh mẽ có thể cho phép chính quyền tiếp tục thúc đẩy các gói kích thích kinh tế nhằm giảm bớt tác động của những căng thẳng thương mại và phong trào biểu tình chống chính quyền hiện nay.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp