14/03/2024 22:48
Doanh nghiệp Việt cần thay đổi thế nào trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt?
Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp Việt đã phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ về cả sản xuất và phương thức tiếp thị để đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp có thể đến được với người tiêu dùng.
Tại sự kiện công bố và trao chứng nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho 529 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, doanh nghiệp Việt cần theo kịp xu hướng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau dịch bệnh, thị trường đã hình thành một xu hướng mới, đó là thực phẩm xanh, thực phẩm chữa lành.
"Việt Nam chúng ta là nơi có tài nguyên rất quý cùng với lực lượng lao động trẻ, giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Đây là tài sản, không chỉ cho chúng ta sử dụng, cho thị trường trong nước mà nó là nguồn lực, tiềm lực để chúng ta có thể theo kịp hướng giúp sản xuất, tiêu dùng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chuyên về thực phẩm mà có tiêu chuẩn quốc tế hoặc các doanh nghiệp đang sẵn sàng cho cuộc chơi chung", ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Cùng quan điểm về sản xuất nông nghiệp sạch, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, Huỳnh Văn Thòn, đánh giá, sản xuất xanh và sạch là yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển bền vững của công ty. Công ty tập trung đặc biệt vào việc đào tạo và huấn luyện nông dân và cán bộ nghiệp vụ theo triết lý sống này, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa áp dụng các quy trình quản lý xanh và sạch.
Chiến lược của Lộc Trời không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn đặt ra mục tiêu tăng giá trị cho những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình xanh và sạch. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm mà còn bảo vệ môi trường và phục vụ người tiêu dùng.
Ở một khía cạnh khác, bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long cho rằng, việc đầu tư vào nhân sự và phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Thiên Long đã đặt sự tôn trọng và phát triển con người làm trọng tâm, xem mỗi nhân viên như một tài sản quý báu và nhấn mạnh vào "tâm huyết và nhân văn". Thiên Long đã xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp và đa dạng, kế thừa và bổ sung giá trị mới để phù hợp với xu thế hiện nay. Sự đa dạng và hội nhập trong tổ chức là cần thiết để thu hút nhân tài và đối mặt với thách thức, đổi mới.
Trong khi đó, theo ông Trần Thái Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty Qui Phúc, Qui Phúc tập trung vào việc làm chủ thị trường nội địa trước khi mở rộng kênh xuất khẩu. Công ty đã thành công trong việc chăm sóc khách hàng và xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, đồng thời mở rộng ra các kênh xuất khẩu trong khu vực và toàn cầu.
Đồng thời, Qui Phúc cũng chú trọng vào cập nhật công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cũng như đầu tư vào năng lực nhân sự và môi trường làm việc tích cực.
Còn CEO Tập đoàn KiDo, ông Trần Lệ Nguyên cho rằng, doanh nghiệp cần tăng tốc bán hàng đa kênh trước khi quá muộn. Trong những năm gần đây, KiDo đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, doanh nghiệp này đang đứng trong top 3.
"Trước đây chúng ta chỉ bán trên kênh truyền thống nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ, bắt đầu livestream. Giữa bán trực tiếp và online thì tiêu thụ online tăng đáng kể, đặc biệt rất có lợi cho người tiêu dùng. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale… trong đó TikTok thường tung ra rất nhiều voucher, tất cả đều có lợi cho người tiêu dùng", ông Nguyên cho biết thêm.
Để xây dựng một kênh bán hàng hiệu quả trên mạng, điều quan trọng nhất là phải có lượng người theo dõi đáng kể. Doanh nghiệp cần xây dựng các nền tảng và kênh truyền thông không chỉ là để quảng cáo và bán hàng, mà còn là để tương tác và cung cấp giải trí cho cộng đồng.
Ngoài ra, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho biết trong năm 2024 hiệp hội sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đồng thời giúp cho họ xây dựng thương hiệu trong khi vẫn đẩy mạnh tiêu chuẩn xanh.
"Chúng tôi sẽ tổ chức và tận dụng cơ hội thị trường để giúp cho doanh nghiệp bán hàng tốt, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các công nghệ mới để bán hàng tốt", bà Hạnh nói.
Ngoài ra, Hội HVNCLC tiếp tục kết nối doanh nghiệp với thị trường quốc tế và truyền thông cho chính sách, chẳng hạn như việc chuẩn bị đưa ra chính sách mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của thành phố.
Cuộc khảo sát HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn năm nay tập trung vào hai đối tượng chính là phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng (NTD) và nhà bán lẻ, cùng với việc thực hiện khảo sát trực tuyến như mọi năm. Kết quả cho thấy có hơn 70.000 lượt bình chọn từ cả hai hình thức này cho các doanh nghiệp.
Cuộc khảo sát trực tiếp hai đối tượng diễn ra tại 4 thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ là các trung tâm kinh tế của các vùng miền. Trong khi đó, khảo sát trực tuyến (online) mở rộng trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của NTD từ tất cả 63 tỉnh/thành.
Kết quả sơ bộ cho thấy có 642 DN được NTD bình chọn là HVNCLC 2024. Sau đó, Hội Doanh Nghiệp HVNCLC đã tiến hành quy trình kiểm tra, xác minh, đối chiếu, bao gồm tiếp nhận hồ sơ minh bạch của DN và gửi thư tới các cơ quan chức năng quản lý kinh tế địa phương để thu thập thông tin chính thức về tình hình tuân thủ pháp luật kinh doanh của DN.
Sau hơn một tháng, Hội đã nhận được phản hồi từ 84 sở ngành thuộc 38 tỉnh thành trên toàn quốc, cùng với ý kiến từ giới truyền thông và NTD, để cuối cùng hình thành danh sách 529 DN đạt chứng nhận HVNCLC trong năm nay.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp