18/08/2018 05:41
Doanh nghiệp Đài Loan “tháo chạy” khỏi Trung Quốc, cơ hội cho các nước Đông Nam Á
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang khiến nhiều công ty Đài Loan, từ lĩnh vực công nghệ đến lĩnh vực dệt may, tính đến việc rút dần khỏi Trung Quốc, tìm những nơi mới để tổ chức lại sản xuất. Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ đang là những nơi lý tưởng.
Vào những năm 1990, giá nhân công rẻ ở Trung Quốc cộng với các lợi thế khác như sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa khuyến khích các công ty Đài Loan mở nhà máy ở đây. Nhưng càng ngày, giá nhân công ở Trung Quốc tăng lên với mức độ cao hơn các nước khác trong khu vực đã khiến các công ty Đài Loan bắt đầu suy tính.
Việc tăng thuế vào các sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc của Mỹ trong chính sách kìm chân Trung Quốc của ông Donald Trump, không nghi ngờ gì nữa, sẽ khiến các công ty Đài Loan càng gấp rút hơn trong việc “tháo chạy”.
Feng Tay, nhà sản xuất giày dép gia công cho Nike và Adidas đã dừng mở rộng dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc cách đây gần một thập niên, họ đã có những cơ sở sản xuất tại Ấn Độ và Đông Nam Á.
Nửa đầu năm 2018, chỉ có 15% trong số 159 triệu đôi giày dép được Pou Chen sản xuất ở Trung Quốc, trong khi cơ sở tại Việt Nam chiếm 46%. Ảnh: Reuters |
“Giờ chúng tôi không lo lắm đến chiến tranh thương mại nữa, vì chúng tôi chỉ còn 10% dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc”, Joe Lin, giám đốc phụ trách đầu tư của công ty này nói với Nikkei Asian Review. Nhà máy thứ hai của công ty này tại Ấn Độ sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, bên cạnh các nhà máy ở Việt Nam và Indonesia.
Lin cho rằng Feng Tay từ lâu đã có chính sách không phụ thuộc quá nhiều vào một nước, và nhận định Đông Nam Á có một hệ sinh thái hoàn chỉnh để phục vụ cho các dây chuyền sản xuất giày dép. Năm 2017, trong 124 triệu đôi giày Feng Tay gia công, 11% từ Trung Quốc, Việt Nam đóng góp 52%, trong khi Ấn Độ và Indonesia đóng góp lần lượt là 24% và 13%.
Pou Chen, nhà gia công giày dép số 1 thế giới cũng đã mở rộng dây chuyền sản xuất ở các nước Đông Nam Á. 17% trong số 324,6 triệu đôi giày dép năm 2017 được sản xuất ở Trung Quốc, giảm so với 20% năm 2016, 25% năm 2015 và 29% năm 2014. Nửa đầu năm 2018, chỉ có 15% trong số 159 triệu đôi giày dép được Pou Chen sản xuất ở Trung Quốc, trong khi cơ sở tại Việt Nam chiếm 46%.
Pou Chen gia công cho các thương hiệu Nike, Adidas, Reebok, Asics, Under Armour, New Balance, Puma, Converse, Salomon, Timberland và nhiều thương hiệu thể thao khác. Họ cũng có nhà máy tại Indonesia, Campuchia, Myanmar và Bangladesh.
Người phát ngôn Pou Chen, bà Eve Chou nói công ty không rời Trung Quốc hoàn toàn nhưng sẽ điều chỉnh khối lượng sản xuất vì giá thành sản xuất ở Trung Quốc đang cao hơn ở Việt Nam, Indonesia.
Eclat Textile, hãng gia công quần áo thể thao đang đẩy mạnh vào các cơ sở ở Đông Nam Á sau khi rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc vào cuối năm 2016, viện dẫn giá thành lao động cao và các điều kiện đầu tư ngày càng khó khăn ở Trung Quốc. Phó chủ tịch Roger Lo tiết lộ, trước đây chính các khách hàng của Eclat ở Mỹ như Nike, J.C. Penney đã yêu cầu Eclat đa dạng hóa nơi sản xuất.
Ngoài những lợi thế nói trên, các hãng chuyển công việc làm ăn đến Đông Nam Á cũng là vì họ hướng đến TPP, dù Mỹ rút lui khỏi TPP nhưng 11 nước hai bên bờ Thái Bình Dương vẫn là những thị trường hết sức hấp dẫn.
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu công nghệ Đài Loan, trong số hơn 900 công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan, có 191 công ty đầu tư nhà xưởng ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Ấn Độ được các nhà sản xuất điện tử Đài Loan thích vì bản thân Ấn Độ cũng là một thị trường mới nổi trong lĩnh vực tiêu dùng hàng điện tử. Trong khi đó, Việt Nam hấp dẫn các dòng vốn đầu tư tích lũy, nghĩa là vốn đầu tư phân nhiều giai đoạn, đã đầu tư rồi, muốn đầu tư thêm.
Pegatron, đối tác gia công và lắp ráp chính cho iPhone, đã công bố giảm khối lượng sản xuất ở Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Pegatron, đối tác gia công và lắp ráp chính cho iPhone, đã công bố giảm khối lượng sản xuất ở Trung Quốc, chủ tịch công ty Tung Tzu-hsien nói công ty ông đang xây dựng nhà máy ở Ấn Độ. Đối thủ lớn nhất của Pegatron là Hon Hai Precision Industry (tên trước là Foxconn) đã vào Ấn Độ năm 2014.
Công ty New Kinpo Group chuyên gia công máy in, máy tính cá nhân, máy sấy tóc có nhà máy ở Philippines, Thái Lan và Malaysia coi chiến tranh thương mại là một cơ hội để cạnh tranh với hàng của Trung Quốc. “Tôi thấy cuộc chiến này sẽ kéo dài vài năm, chúng tôi sẽ hưởng lợi từ nó”, tổng giám đốc Simon Shen nói.
Năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI vào Đông Nam Á tăng 11% lên 134 tỉ USD, trong khi đó FDI toàn cầu giảm 23% xuống còn 1,43 ngàn tỉ USD, theo Karen Ma, nữ chuyên gia từ Viện nghiên cứu công nghệ Đài Loan. “Năm 2018, FDI vào Đông Nam Á và Ấn Độ còn tăng nữa”, Ma nói.
Các công ty công nghệ lớn như Foxconn, Advantech còn chuyển cơ sở làm ăn từ Trung Quốc sang thẳng Mỹ để né chiến tranh thương mại. Foxconn vừa khởi công nhà máy làm màn hình 10 tỉ USD ở bang Wisconsin. Quanta Computer có kế hoạch tăng gấp ba sản lượng sản xuất ở Mỹ trong ba năm tới.
Năm ngoái, các công ty Đài Loan đầu tư 800 triệu USD vào nhà xưởng ở Mỹ, tức là đã gấp hai lần rưỡi so với năm 2016. Năm nay và những năm tới, chắc chắn sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ và các nước khác sẽ còn diễn ra mạnh.
Advertisement
Advertisement