Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

"Định giá AVG có dấu hiệu vụ lợi"!

Phân tích

17/03/2018 08:24

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nhận định như vậy về kết quả thẩm định giá trong thương vụ Tổng Công ty Viễn thông (MobiFone) mua 95% cổ phần Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)

Phóng viên: Trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và bất ngờ hủy hợp đồng, ông đánh giá thế nào về việc AVG được định giá cao gấp 2,5 lần so với giá trị thực?

PGS-TS Ngô Trí Long.
PGS-TS Ngô Trí Long.

- PGS-TS Ngô Trí Long: Về quy trình nghiệp vụ, bên thẩm định giá phải có chứng thư thẩm định giá lập ra nhằm chứng nhận giá trị tài sản, xác nhận những điều trình bày là đúng với những phân tích bị hạn chế do các giả thiết đã được báo cáo và thẩm định dựa trên tên, địa chỉ của thẩm định viên. Chứng thư thẩm định giá vừa mang ý chủ quan vừa mang tính khách quan. Khách quan là phải dựa vào các căn cứ khoa học để định, chủ quan là anh A thẩm định đưa ra giá trị này, anh B thẩm định lại đưa ra giá trị khác. Nên không bao giờ có chuyện 2 người định giá 1 tài sản lại có kết quả hoàn toàn trùng khớp với nhau mà phải có sai lệch. Nhưng sai số trong kết quả thẩm định giá phải trong phạm vi cho phép và có cơ sở khoa học.

Về nguyên tắc cũng phải sử dụng nhiều phương pháp định giá khác nhau để định giá doanh nghiệp (DN) nhằm đối chiếu, kiểm tra. Chẳng hạn, với bất động sản có 5 phương pháp, với động sản là thiết bị, máy móc có 3 phương pháp. Khi định giá, cơ quan thẩm định giá phải có nhiều phương pháp để đối chứng và phải bảo vệ phương pháp của mình đưa ra. Sai lệch chỉ có mức độ thôi, khoảng 10%-20% hoặc cùng lắm là 30% chứ không thể sai số gấp hàng chục lần như trường hợp của AVG. Vậy, nhân tố nào quyết định giá trị cuối cùng? Đó là thị trường hoặc người mua. Giá trị tài sản đem bán được định như thế nhưng người mua có chấp nhận giá đó không là cả một vấn đề.

Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX, một trong những công ty tư vấn định giá tài sản trong thương vụ MobiFone mua lại AVG. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX, một trong những công ty tư vấn định giá tài sản trong thương vụ MobiFone mua lại AVG. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

. Theo ông, trong việc định giá AVG cao hơn so với giá trị, nguyên nhân do lỗ hổng của pháp luật hay do điều gì?

- Ở đây là sự cố ý của người trong cuộc. Đã có tiêu chuẩn về thẩm định giá nhưng đơn vị thẩm định không căn cứ tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam đã ban hành cũng như thông lệ quốc tế, đưa lên giá trị tài sản vô hình rất lớn. Thực chất, đây là phi vụ có dấu hiệu vụ lợi cá nhân. Mặc dù kiểm toán Deloitte đã xác định AVG kinh doanh lỗ triền miên nhưng cơ quan định giá vẫn đưa ra giá trị như vậy. Không loại trừ cơ quan thẩm định giá có ý đồ không tốt, thực hiện theo ý đồ của người thuê. Đây là hành vi sai trái.

. Trong trường hợp đó, trách nhiệm của cơ quan định giá thế nào?

- Chứng thư định giá không phải văn bản pháp quy mà chỉ có tính chất tham khảo. Nếu việc định giá sai mà không gây hậu quả thì không sao nhưng đưa vào hoạt động kinh doanh gây hậu quả thì cơ quan thẩm định giá phải chịu trách nhiệm. Trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG rõ ràng là đã có hậu quả, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng thì bên định giá phải chịu trách nhiệm theo mức độ thiệt hại gây ra. Ở đây, mặc dù 2 bên đã hủy hợp đồng sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, công bố sai phạm nhưng đó chỉ là sửa chữa, khắc phục hậu quả chứ không phải hủy hợp đồng là xong. Trong vụ việc này, ngoài cơ quan thẩm định giá, những người có liên đới trong vụ việc này cũng phải chịu trách nhiệm.

. Trường hợp chuyên gia thẩm định giá, DN thẩm định giá không vượt qua được cám dỗ, bắt tay với DN làm sai lệch giá trị tài sản diễn ra có phổ biến không, hệ thống pháp luật hiện nay có đủ chặt chẽ để ngăn chặn những hành vi này?

- Cũng đã có trường hợp xảy ra ở Vũng Tàu rồi. Tài sản được định giá cao gấp 10 lần, đơn vị định giá cũng bị tù vì gây ra hậu quả. Trong thực tế, việc xác định giá trị DN trước khi cổ phần hóa (CPH) cũng có tình trạng giá trị DN được định giá thấp, làm thất thoát tài sản nhà nước và khi kiểm toán vào định giá lại thì tăng thêm nhiều ngàn tỉ đồng.

Luật thì bao giờ cũng không thể tuyệt đối được. Trong quá trình thực thi thấy chưa hoàn chỉnh thì phải tiếp tục hoàn thiện. Cái dở của chúng ta là Bộ Tài chính cấp chung chứng chỉ hành nghề định giá tài sản, gồm cả động sản và bất động sản. Đây là việc các nước không có do họ phân ra từng chuyên ngành. Khi thẩm định giá DN, có bất động sản, cả thiết bị, máy móc thì phải có các chuyên gia khác nhau định giá theo chuyên ngành chứ không thể một đơn vị làm tất được. Ngay bản thân ngành kỹ thuật thôi, điện và cơ đã là 2 lĩnh vực khác nhau nên có câu "Phiến diện như điện học cơ, lơ mơ như cơ học điện". 

Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển:

Cùng sử dụng một số liệu cho thấy có sự thông đồng

Quá trình định giá tài sản của AVG nhìn theo quy trình thì có vẻ đúng. Nghĩa là một thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) đã được thuê một công ty chứng khoán lớn làm dịch vụ, thuê thêm 2 công ty định giá để cho có bài bản. Tuy nhiên, thương vụ này không phải là M&A bình thường. MobiFone là DN nhà nước quy mô lớn. Tiền của nhà nước nên không thể tìm một công ty định giá để tham khảo là đủ mà việc định giá để có tính khoa học, độ tin cậy cao thì phải dựa vào số liệu có so sánh thực tế thông qua nhiều dữ liệu chứ không chỉ lấy một nơi. Cụ thể là phải xem AVG hoạt động bao nhiêu năm, dự đoán tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới, độ lớn của thị trường có so sánh cả GDP. Đặc biệt là cần có những công ty tương tự về hoạt động để tham khảo như K , Truyền hình Cáp Sài Gòn, kể cả Đài Truyền hình Vĩnh Long… Nghĩa là việc định giá đúng là cần phải tham khảo tất cả cơ sở từ bên trong và bên ngoài; đồng thời lãnh đạo công ty phải luôn đặt câu hỏi số liệu lấy ở đâu, minh bạch chưa, đủ và đúng không?

Việc này sai phạm ngay từ đầu là cả 3 công ty cùng sử dụng một số liệu, cho thấy có sự thông đồng. Có thể nói đây là ý chí chủ quan của lãnh đạo công ty chứ một chuyên gia độc lập nhìn vào đã biết ngay là "mờ ám". Chỉ cần công bố, các chuyên gia tính nháp cũng có thể ra giá trị, nếu có sai thì chỉ trong tầm 10%-20% chứ không thể nhiều được. Đáng nói là thương vụ này được xem là mật, không được công bố. Trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp thẩm định giá tài sản nhà nước mà tài sản thật và tài sản định giá sai lệch đến 100 lần, như vụ Công ty Cho thuê Tài chính II của Agribank, con tàu được định giá đến 100 tỉ đồng, hay ụ nổi trong vụ Vinashin định giá cả ngàn tỉ đồng.

Trước đây, khi Bộ Tài chính đưa ra 2 quy trình định giá tài sản của một DN khi CPH. Một là định giá theo phương pháp so sánh. Hai là định giá theo phương pháp dòng tiền. Trước năm 2005, hầu như việc CPH không chú ý đến việc tính đến giá trị thương hiệu. Lúc đó, chỉ liệt kê sổ sách, tài sản. Riêng về giá trị đất (dù là thuê dài hạn) cũng không định giá. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán chưa phát triển, không hình dung được giá trị DN như thế nào. Hơn nữa, nhiều DN hoạt động èo uột, khi định giá chỉ căn cứ theo lợi nhuận hằng năm nên giá trị CPH thời điểm đó rất thấp. Quan trọng hơn là lúc đó, nhà nước muốn đưa DN ra CPH nhưng vẫn phải hoạt động tốt, người lao động không mất việc. Mà thật ra, những DN nhà nước lãi cao thì đã được giữ lại. Như vậy, trong bối cảnh đó có thể thông cảm được. Nhưng sau này, thị trường chứng khoán phát triển, nhà nước cần phải chặt chẽ, quan tâm và dùng đến phương pháp định giá thông qua dòng tiền. Hiện nay, nhà nước tính luôn thương hiệu, quyền sử dụng đất nên tương đối đầy đủ.

Thực tế, việc định giá chỉ là một bước của quá trình. Việc đấu giá phải tổ chức công khai, ai muốn mua thì mua, cổ phiếu đó do thị trường quyết định.

Thật ra, đấu giá cũng không phải là cây đũa thần nhưng một công ty chuyển đổi từ nhà nước sang cổ phần nên thực hiện dần theo 3 bước. Một là, sau khi định giá xong, tìm một vài đối tác là tổ chức tài chính trong nước tham gia quyền mua ban đầu, tham gia HĐQT. Sau đó, bước 2 là khi đã thành công ty cổ phần, bán cho CB-CNV nhưng vốn nhà nước vẫn còn 65%. Tiếp theo cho lên sàn, lúc đó nhà nước cứ muốn thoái vốn thêm bao nhiêu thì thoái. Nghĩa là nhà nước nên bán từng phần nhưng theo thời giá tốt nhất. Điển hình như Vinamilk, Sabeco… bán rất được giá. Cuối cùng, người đứng đầu phải có tâm. Bởi dù mọi quy định đúng bài bản nhưng người lãnh đạo không có tâm thì đều có thể bị "lọt".

S.NHUNG ghi

TÔ HÀ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement