29/11/2018 16:10
Dịch tả heo châu Phi không lây lan sang người
Bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) lây lan sang người mà chỉ lây lan sang heo, người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng thịt heo bình thường.
Đó là khẳng định của Đại diện Cục Thú y, Bộ NN-PTNT tại Hội nghị phòng, chống dịch tả heo châu Phi các tỉnh phía Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 29/11.
Tại hội nghị này, Cục Thú y đánh giá nguy cơ nhiễm ASF vào Việt Nam vẫn là từ các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm của nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có chăn nuôi heo với số lượng lớn.
Hiện dịch bệnh này dù chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng đã bùng phát mạnh tại Trung Quốc, những ổ dịch phát hiện mới đây đều gần sát biên giới phía Bắc Việt Nam. Trung Quốc đã phát hiện 81 ổ dịch.
Dịch tả heo châu Phi lan rộng tại Trung Quốc, cách không xa biên giới Việt Nam. |
Theo đánh giá của cơ quan này, ASF có nguy cơ lây lan sang Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới. Hay thông qua các hoạt động thương mại, du lịch do mang thực phẩm chế biến từ nước xảy ra dịch bệnh vào Việt Nam.
Dù không lây lan mạnh so với các dịch bệnh long móng lở mồm, tai xanh… nhưng khả năng tồn tại rất lâu bất kể là heo con, heo lớn và tỷ lệ chết rất cao, gần như 100% heo tử vong sau khi mắc bệnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa loại bệnh này nên tốc độ dịch bệnh lây lân rất nhanh, một khi dịch bệnh bùng phát thì rất khó ngăn chặn.
Bộ NN-PTNT hiện đã triển khai nhiều hoạt động vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn, đồng thời giám sát các phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi và các địa phương có nhiều khách du lịch.
Bộ cũng kêu gọi khi phát hiện có bệnh, địa phương cần phải báo cáo ngay cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.
Theo Cục Thú y, giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh này vào Việt Nam được cho là hiệu quả nhất hiện nay vẫn là cần tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển, tăng cường năng lực chuẩn đoán xét nghiệm…
Song song đó, trang trại cần phải xét nghiệm an toàn sinh học, khoảng 2 tuần/lần và ứng phó với dịch bệnh. Các trang trại chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi, phương tiện vận chuyển. Đồng thời tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn heo để kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh.
Chủ đề liên quan
Advertisement