10/01/2024 09:23
Địa ốc trông chờ vào năm mới
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Giáp Thìn 2024, nhưng với nhiều doanh nghiệp bất động sản năm cũ đã khép lại...
Nghỉ Tết sớm vì… chợ vắng khách
Mọi năm, thời điểm cận Tết thường là mùa bán hàng cao điểm với các doanh nghiệp địa ốc, thế nhưng năm nay lại khác, không còn nhiều những hoạt động “chạy nước rút” bán hàng. Thậm chí, nhiều công ty bất động sản đã “chốt sổ” giao dịch, thông báo nghỉ Tết sớm, thời gian nghỉ kéo dài đến hết tháng 2/2024.
Đại diện Công ty Bất động sản Trần Anh cho hay, doanh nghiệp này đã cho khối kinh doanh nghỉ Tết từ giữa tháng 12/2023, còn khối vận hành nghỉ trước ngày 15/1/2024.
“Hoạt động bán hàng kết thúc sớm nên Công ty cho một số bộ phận nhân sự nghỉ sớm để giảm chi phí vận hành”, vị đại diện này nói.
Công ty Bất động sản Thắng Lợi cũng thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm hơn lịch Nhà nước quy định. Cụ thể, khối văn phòng nghỉ từ cuối tháng 1/2024, trong khi khối kinh doanh nghỉ Tết sớm hơn và đi làm muộn hơn so với các khối khác từ 15-20 ngày.
Một số doanh nghiệp khác như SG Holdings cho cho nhân viên nghỉ Tết sớm từ ngày 15/12 Âm lịch; Asia New Time đang lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ trước ngày 10/12 Âm lịch...
Đây là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản năm nay do thanh khoản thị trường kém, giao dịch nhà đất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không có nguồn hàng để bán, kể cả có hàng cũng khó giao dịch. Doanh nghiệp hầu như không có nguồn thu, trong khi chi phí dù tiết giảm hết cỡ cũng mất cả tỷ đồng mỗi tháng. Vậy nên cho nhân viên nghỉ sớm được xem như là giải pháp tiết giảm gánh nặng chi phí lúc này.
Ông Hà Văn Thiện - Phó tổng giám đốc Trần Anh Group chia sẻ, tình hình kinh doanh năm nay khó khăn, hầu như việc bán hàng cuối năm không mấy triển vọng nên doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ Tết sớm để giảm tải chi phí bộ máy. Đến nay, để duy trì bộ máy hoạt động ổn định là một thách thức lớn với các doanh nghiệp bất động sản. Thị trường rất khó khăn, tâm lý người mua dè dặt, cùng với nguồn hàng để phân phối khan hiếm càng khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn.
Còn bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services cho hay, khảo sát thực tế cho thấy nhu cầu sở hữu bất động sản vẫn cao, mức độ tìm kiếm từ khóa “bất động sản” duy trì ổn định, gần như không có biến động nhiều theo năm. Thậm chí, khách hàng còn chủ động liên hệ nhân viên môi giới và chủ động hơn trong việc tham gia các sự kiện tư vấn bán hàng, thăm quan nhà mẫu, thăm quan dự án..., nhưng do khả năng chi trả hạn chế nên không nhiều giao dịch chốt thành công.
“Khách chưa mua bất động sản không phải vì không thích hay không muốn mua, mà là do chưa có đủ tài chính, chưa đủ tự tin để vay mua bất động sản lúc này, cho dù lãi suất cho vay đã giảm””, bà Liên nói, đồng thời cho biết thêm, khảo sát mới đây của Dat Xanh Services về những lý do khách hàng chưa đưa ra quyết định mua bất động sản, có đến 63% lý do liên quan đến tài chính. Khảo sát sâu hơn các ý kiến này thì thấy, 72% do thu nhập giảm nên không dám vay ngân hàng; 64% do không đủ tiền thanh toán khoản trả trước; 53% đang chờ giá giảm thêm mới mua vào; 36% muốn giữ tiền mặt để dự phòng; 14% do phát sinh nợ xấu nên không thể vay thêm...
Đặt kỳ vọng vào năm mới
Thực tế cho thấy, năm 2024 còn tồn tại nhiều biến số tác động, các yếu tố cần cho sự phục hồi của thị trường địa ốc chưa hoàn toàn xuất hiện. Dù vậy, thị trường vẫn được kỳ vọng cải thiện tốt hơn khi các yếu tố cần và đủ cơ bản được đáp ứng.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holdings, các chủ đầu tư đều đang hy vọng Luật Đất đai sửa đổi sớm được thông qua, từ đó giải quyết được các vấn đề của luật cũ. Thêm nữa, hiện nay, nhiều dự án bất động sản vẫn đang gặp vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, khiến cho dự án không thể triển khai. Do đó, chỉ khi luật hóa chi tiết vấn đề này mới giúp các dự án được thực hiện dễ dàng hơn.
“Ách tắc pháp lý là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án không thể triển khai bán hàng, không huy động được nguồn vốn, đi vay càng khó khăn. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn giãn hoãn nợ trái phiếu, thu xếp dòng tiền để trả nợ nên phải cân nhắc tiết kiệm chi phí hết mức có thể”, ông Hậu nói.
Ông Hà Văn Thiện nhìn nhận, thị trường vẫn sẽ khó khăn nhưng không quá bi quan do có nhiều động lực để thị trường kiên trì đi qua “vùng bão”. Do đó, kỳ vọng năm 2024 sẽ đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng pháp lý dự án, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính…, từ đó đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án, đưa sản phẩm ra thị trường.
“Bên cạnh thủ tục pháp lý, dòng vốn cũng là câu chuyện được quan tâm. Kỳ vọng doanh nghiệp và người dân sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng với lãi suất hợp lý hơn”, ông Thiện nói.
TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services đánh giá, thị trường bất động sản đang đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái. Dự báo, thị trường sẽ phục hồi dần từ đáy chữ U, nhưng tốc độ phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là sự cải thiện niềm tin thị trường.
Dựa trên các dữ liệu phân tích thị trường tính đến ngày 31/12/2023, các chuyên gia Dat Xanh Services dự báo, trong năm 2024, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung tăng 20-30%, lãi suất cho vay thả nổi dao động từ 10-12%/năm, giá bán tăng 3-5% và tỷ lệ hấp thụ đạt 30-35%.
Cụ thể, tại khu vực Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung bất động sản thương mại - văn phòng cho thuê sẽ đón nhận khoảng 420.000 m2 sàn, nâng tổng cung toàn thị trường lên khoảng 5,12 triệu m2 sàn, tăng 9% so với năm 2023.
Nguồn cung mặt bằng thương mại bán lẻ sẽ đón nhận thêm khoảng 201.000 m2 sàn, tăng 6%. Tương tự, nguồn cung bất động sản công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực miền Bắc dự kiến có thêm khoảng 1.140 ha, tăng khoảng 8% theo năm; khu vực miền Nam dự kiến được bổ sung khoảng 1.337 ha, tăng khoảng 5% theo năm.
Đối với phân khúc bất động sản nhà ở, dự kiến nguồn cung sản phẩm mới (từ các dự án đã có kế hoạch mở bán) vào khoảng 29.300 sản phẩm, nâng tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường năm 2024 lên 63.200 sản phẩm, tăng khoảng 34% so với năm 2023.
“Nhìn chung, sức mua khó bật mạnh, nhưng có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023, tập trung chủ yếu tại 2 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực, giá bán vừa túi tiền sẽ dẫn dắt thị trường. Phân khúc nhà ở cho thuê dự báo tăng trưởng tốt, giá thuê nhà sẽ tăng”, ông Khôi nhận định.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp