Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đề xuất ngân hàng thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT

Ngân hàng

25/10/2023 20:10

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế VAT nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động.

Ngày 24/10/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc góp ý kiến đối với dự thảo đề xuất chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 (dự thảo).

Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thống nhất với nội dung đề xuất về chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và bổ sung nội dung này vào Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 để trình Quốc hội ra Nghị quyết chung (không ban hành Nghị quyết riêng về giảm thuế VAT để đảm bảo tiến độ thực hiện, sớm đưa giải pháp vào thực hiện trong thực tế).

Đề xuất ngân hàng thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm, hoạt động của các TCTD hiện hết sức khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao, kết quả hoạt động năm 2023 và năm 2024 của các TCTD dự báo giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là TCTD quy mô nhỏ, trong khi các TCTD vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, theo VietStockFinance.

Do đó, để tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế VAT trong Báo cáo tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 để trình Quốc hội ra Nghị quyết chung.

Trước đó, ngày 13/10/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản số 11239/BTC-CST xin ý kiến các bộ ngành, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), UBND các tỉnh, thành phố về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% áp dụng trong năm 2024.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 như đã, đang áp dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, giảm 2% thuế VAT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được Bộ Tài chính loại trừ gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được áp dụng chính sách này.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó, mức giảm thu mỗi tháng đối với nội địa là khoảng 2.700 tỷ đồng; giảm thu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.

Năm 2023, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là khoảng 196.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỷ đồng, trong đó có giảm thuế VAT 2% cho một số nhóm hàng hóa dịch vụ, theo Dân Việt.

Tính riêng trong 3 tháng (7, 8 và 9/2023), chính sách giảm thuế VAT 2% đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement