16/05/2024 11:11
Đề xuất gia hạn khoản nợ 4.000 tỷ đồng 'giải cứu' Vietnam Airlines
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phương án gia hạn trả nợ khoản vay 4.000 tỉ được Quốc hội thông qua hồi năm 2020, nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, Bộ trưởng Sơn cho biết đây là nội dung rất quan trọng, cần xin ý kiến của Quốc hội. Nguyên nhân là tình hình tài chính của Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Do vậy, Chính phủ xin Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay.
"Việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại luật Ngân hàng Nhà nước và cần phải được Quốc hội thông qua. Trước đây, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị", ông Sơn nói.
Trước đó, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng).
Tháng 1/2021, Thủ tướng có nghị quyết số 194/NQ-CP về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với số tiền tái cấp vốn tối đa không quá 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, thời hạn tối đa không quá 364 ngày.
Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.
Chính phủ giao Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định của Luật chứng khoán, nghị quyết của Quốc hội và quy định của pháp luật, theo VTC News.
Giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền mua cổ phần theo quy định tại khoản 1, điều 4 Luật chứng khoán của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.
Đồng thời, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, xác định tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro phù hợp đối với các khoản cho vay của Vietnam Airlines.
Giai đoạn xảy ra dịch COVID-19 (2020-2022), ngành hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của thị trường. Năm 2022, hãng này lỗ sau thuế hơn 11.220 tỷ đồng.
Tình hình cải thiện hơn vào 2023, khi số lỗ giảm một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ. Nhưng do số lỗ các hai năm trước lớn, nên đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng âm vẫn gần 17.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ.
Thị trường hàng không, du lịch hồi phục giúp Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu, lợi nhuận lớn trong quý đầu năm nay. Theo đó, hãng này lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí.
Ngoài ra, nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác trên 3.630 tỷ đồng do xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của hãng là hơn 4.528 tỷ. Đây cũng là mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này. Trước đây vào thời kỳ đỉnh cao nhất giai đoạn 2017-2019, hãng chỉ lãi hợp nhất trước thuế hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm, theo doanhnghiephoinhap.vn.
Hiện, đề án cơ cấu lại Vietnam Airlines giai đoạn 2022-2025 đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hãng cho biết sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp