Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đẩy mạnh đầu tư công để tối đa hóa lợi ích từ các FTA

Phân tích

04/09/2023 07:35

Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công như là một trong những giải pháp chính cho tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế cao cấp với hơn 20 năm nghiên cứu và tư vấn về kinh tế Việt Nam, có bài viết riêng cho Báo Đầu tư về cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như sự cần thiết phải đầu tư công một cách hiệu quả để tối đa hóa các lợi ích từ các hiệp định này.

Một trong những thay đổi nổi bật nhất kể từ khi Việt Nam khởi xướng công cuộc Đổi mới năm 1986 là sự chuyển dịch của đất nước từ một trong những nền kinh tế khép kín nhất thế giới (đóng cửa đối với thương mại, công nghệ, thông tin liên lạc và sự di chuyển của người dân) sang một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới thế giới (về tỷ lệ thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài/GDP).

Tỷ trọng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong GDP đã tăng từ mức tối thiểu vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước lên mức cao nhất trên thế giới. FDI và chuyển giao công nghệ, bí quyết và tiếp cận thị trường đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn các mặt hàng điện tử, may mặc, giày dép, đồ nội thất, hải sản và sản phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh đầu tư công để tối đa hóa lợi ích từ các FTA - Ảnh 1.

Ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế cao cấp

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để tận dụng lực lượng lao động lành nghề và chi phí lao động tương đối thấp, cũng như vị trí chiến lược của Việt Nam ở châu Á. Điều này đã giúp các doanh nhân, nhà quản lý và người lao động Việt Nam tiếp cận với các thông lệ quốc tế tốt nhất, thúc đẩy phát triển kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

Liên kết ngày càng tăng với các chuỗi cung ứng toàn cầu đã giúp Việt Nam phát triển hơn nữa năng lực kỹ thuật của mình. Việc tiến lên trong chuỗi giá trị đã tạo thêm việc làm trong các ngành sản xuất và dịch vụ phức tạp hơn và có giá trị gia tăng cao hơn. Đây là động lực chính của tăng trưởng năng suất và thu nhập.

Hội nhập kinh tế đã làm tăng nhu cầu và cung ứng các dịch vụ hậu cần, tài chính, tiếp thị và các dịch vụ khác một cách tinh vi hơn và có giá trị cao hơn. Sự tăng trưởng nhanh chóng về du lịch, giáo dục ở nước ngoài và tăng cường tương tác kinh doanh đã thúc đẩy ngành dịch vụ khách sạn và các dịch vụ khác, giúp đa dạng hóa các cơ hội kinh tế và việc làm.

Các chiến lược thành công nhằm mở rộng thương mại, FDI và nhằm liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cấp các ngành công nghiệp và thúc đẩy phát triển kỹ năng đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia ngày càng năng động trong nền kinh tế toàn cầu. Kết quả tăng trưởng kinh tế đã góp phần nâng cao và ổn định hơn mức sống của nhiều người dân Việt Nam.

Thách thức và cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới

Hội nhập cũng đã đặt ra những thách thức. Nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế, được chứng minh trong đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu sau đó. Một số doanh nghiệp đã thất bại trước sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng. Một số gia đình bị mất việc làm và thu nhập.

Đầu tư công được tăng cường và quản lý tốt hơn có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng hơn nữa các cơ hội thương mại và thúc đẩy đổi mới. Điều này sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn khi tham gia các hiệp định hợp tác kinh tế thế hệ mới.

Phần lớn trọng tâm ban đầu trong thu hút FDI là nhắm vào các ngành thâm dụng lao động và năng suất thấp, thường có mức lương thấp, điều kiện làm việc thay đổi và bảo đảm việc làm. Việc chuyển đổi sang sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn với sự gia tăng liên kết với phần còn lại của nền kinh tế đang cần có thời gian. Một số hoạt động đầu tư và thương mại lại gây ra chi phí về môi trường.

Thách thức hiện nay là khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh sạch hơn, năng suất cao hơn và bền vững hơn. Các tiêu chuẩn về lao động và môi trường cần được thực thi tốt hơn nhằm cải thiện chất lượng việc làm và tránh được các tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời cho phép tiếp cận các cơ hội thị trường có giá trị cao hơn trong bối cảnh các cơ chế thương mại mới hơn đang bắt đầu được thực thi, bao gồm các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội nghiêm ngặt hơn.

Các FTA thế hệ mới - chính xác hơn là các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU - và các hiệp định song phương đang mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng đầu tư công tăng lên và hiệu quả hơn là cần thiết để tối đa hóa lợi ích kinh tế quốc gia.

Trong bối cảnh đó, phát hiện gần đây của Ngân hàng Thế giới về "đầu tư công của Việt Nam đang có xu hướng giảm, từ 8% GDP năm 2011 xuống còn 6% GDP năm 2022", đang là một vấn đề thực sự đáng lo ngại.

Cần đầu tư công hiệu quả và môi trường chính sách hỗ trợ

Đầu tư công là cần thiết để phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và hiệu quả, bao gồm mạng lưới giao thông đa phương thức, bến cảng, cung cấp và phân phối năng lượng, trung tâm đô thị và khu công nghiệp, kết nối kỹ thuật số. Thật không may, theo Ngân hàng Thế giới, chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam xếp thứ 77 trong số 141 quốc gia, thua xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Việc cải thiện kết cấu hạ tầng nhanh chóng, kết hợp với môi trường chính sách hỗ trợ, có thể nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách thu hút đầu tư kinh doanh, giảm chi phí thương mại và sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ.

Đầu tư công và cải cách chính sách về thuận lợi hóa thương mại, hiện đại hóa hải quan và cải cách quy định nhằm hợp lý hóa các thủ tục thương mại xuyên biên giới là cần thiết để giúp các doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế dễ dàng hơn. Các biện pháp như vậy là đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể bắt đầu xây dựng các mối liên kết kinh tế quốc tế.

Các khoản đầu tư công thúc đẩy tăng cường đầu tư tư nhân vào hạ tầng hậu cần và chuỗi cung ứng có thể giúp giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian giao hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ có thể giúp doanh nghiệp đa dạng hóa xuất khẩu và giảm thiểu tác động tiềm ẩn của các cú sốc bên ngoài.

Việc hội nhập thành công vào mạng lưới sản xuất khu vực có giá trị cao hơn cũng sẽ đòi hỏi phải tăng cường đầu tư công vào giáo dục, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng để nâng cao năng suất lao động. Giáo dục chất lượng và học tập suốt đời có thể thúc đẩy đổi mới, giúp Việt Nam thích ứng với các cơ hội thị trường mới nổi. Ngoài ra, việc tham vấn với người lao động và cộng đồng doanh nghiệp cũng rất quan trọng để xác định nhu cầu đào tạo trong tương lai.

Hợp tác đầu tư công vào nghiên cứu và phát triển và vào các cụm công nghệ có thể giúp thúc đẩy tiến bộ công nghệ và đổi mới cần thiết nhằm tăng cường hội nhập với các chuỗi giá trị khu vực tiên tiến hơn.

Đầu tư công có thể giúp giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế bằng cách kích thích nhu cầu trong nước và giảm thiểu rủi ro thông qua việc xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư dài hạn vào các hoạt động kinh tế đa dạng hơn.

Hơn nữa, việc có khung khổ chính sách tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể giúp tối đa hóa lợi ích việc làm từ hội nhập và giúp đảm bảo các kết quả công bằng hơn từ hội nhập. Đầu tư công vào kết cấu hạ tầng và phát triển thể chế có thể đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhìn về phía trước

Bất chấp môi trường quốc tế đầy thách thức và những hạn chế trong nước, Việt Nam vẫn tiếp tục có được dòng vốn đầu tư và thương mại tương đối cao, mang lại lợi ích cho hầu hết người dân. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn có thể thực hiện nhiều chính sách hơn nữa để cải thiện kết quả từ hội nhập kinh tế.

Đầu tư công được tăng cường và quản lý tốt hơn có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng hơn nữa các cơ hội thương mại và thúc đẩy đổi mới. Điều này sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn khi tham gia các hiệp định hợp tác kinh tế thế hệ mới đang thay thế các FTA trước đây có phạm vi hẹp hơn.

Các khoản đầu tư hiệu quả hơn vào phát triển con người, công nghệ xanh, môi trường sống và mạng lưới an sinh xã hội có thể giúp đảm bảo cho tất cả thành phần xã hội đều được thụ hưởng lợi ích của tăng trưởng kinh tế, trong khi môi trường được bảo vệ tốt hơn.

Hiện nay, một điều đáng mừng là, theo Tổng cục Thống kê, đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2023. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Mức độ và hiệu quả giải ngân đầu tư công có thể được tăng cường bằng cách cải thiện công tác lập kế hoạch đầu tư công, phối hợp với các tỉnh, thiết kế và quản lý các dự án đầu tư công. Những người ra quyết định và các cơ quan thực hiện cần có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp các khoản đầu tư có chất lượng theo các mục tiêu đã thỏa thuận.

RAYMOND MALLON
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement