11/10/2017 01:20
Đầu vào 3 điểm/môn, đầu ra... chăn lợn là bình thường?!
Khi viết những dòng này, tôi cũng vừa đọc được thông tin có một trường phía Nam vừa mời "thủ khoa chăn lợn" Bùi Thị Hà vào để dạy học. Tôi chỉ hi vọng đó thực tâm là sự trọng dụng và chiêu mộ người chứ không phải là để PR hay đánh bóng tên tuổi, làm hình ảnh!
Cô thủ khoa xuất sắc của Đại học Sư phạm 2 sau 1 năm tốt nghiệp phải ở nhà... chăn lợn đang khiến cho dư luận sôi sục.
Người ta hết đặt câu hỏi cho cô thủ khoa: Tại sao lại ngồi chờ xếp chỗ?
Rồi nhiều người lại quay ra chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục: Thảm đỏ cho nhân tài để đâu?
Thế nhưng, nếu để ý đến chính sách tuyển sinh đầu vào sư phạm nhiều năm nay, không ít người sẽ phải thở dài: Ừ, thủ khoa chăn lợn là... bình thường!
Thủ khoa Sư phạm Bùi Thị Hà, một trong 100 thủ khoa đầu ra, được vinh danh ở Văn Miếu (ngày 28/8/2016) giờ vẫn phải ngày ngày chăn lợn tạinhà.
Trong tâm thư đẫm nước mắt của cô thủ khoa chăn lợn Bùi Thị Hà (xã Ngọc Đường, TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang) gửi đến Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh có viết về hoàn cảnh gia đình khốn khó: Bố mất sớm do tai nạn giao thông, bà nội bệnh nặng không có tiền chạy chữa cũng qua đời, 3 chị em cùng học đại học nhưng 2 người ra trường đều... thất nghiệp.
Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đổ hết lên vai người mẹ gầy guộc, ốm yếu cân nặng chỉ 36 kg. Cô thủ khoa bé nhỏ cũng không từ chối bất kỳ công việc làm thêm vất vả nào suốt những năm ngồi trên giảng đường để có tiền ăn học.
Em cũng nói rất nhiều về thành tích học tập của mình, từng đỗ thủ khoa đầu vào của Đại học Sư phạm Hà Nội 2, từng được học bổng tiếp sức đến trường của Thành đoàn Hà Nội, từng được học bổng của Quỹ Hỗ trợ đào tạo Nhật Bản cho sinh viên nghèo có thành tích tốt, được giải Nhì cuộc thi Tài năng khoa học trẻ của trường và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc.
Đặc biệt, cũng vào những ngày này cách đây 1 năm, cô được vinh danh cùng 100 thủ khoa khác tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Nhưng, giấc mơ trở thành cô giáo, được đứng trên giảng đường tưởng như đã quá dễ dàng lại bị đóng sập khi tấm bằng loại ưu không thể loạt qua được “khe cửa hẹp” về chỉ tiêu tuyển dụng của địa phương.
Suốt 1 năm trời, Hà rong ruổi vác hồ sơ gõ cửa hết Sở Nội vụ đến Sở GDĐT, nhưng câu trả lời vẫn chỉ là: “Chờ”.
Và trong khi chờ, cô thủ khoa nghèo ngày ngày phải chăn lợn, trồng rau, bán hoa quả để có tiền mưu sinh và... chờ suất trong chỉ tiêu tuyển dụng của tỉnh này.
Câu chuyện của Hà, nếu như xảy ra cách đây vài chục năm sẽ là một truyện rất hi hữu và đau lòng.
Nhưng, lý do để bức tâm thư đẫm nước mắt của em sau cả năm trời vẫn không thể làm lay động trái tim những người có trách nhiệm bởi vì những trường hợp như em không còn hiếm nữa.
Kỳ tuyển sinh vừa qua, chỉ với 3 điểm/môn, thí sinh đã có sẵn 1 vé vào học tại trường Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh
Mỗi mùa tuyển sinh, người ta có thể đọc nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng những thông tin: “Cậu bé chăn lợn đỗ thủ khoa đại học danh tiếng; cô bé chăn vịt đậu đại học; giấc mơ giảng đường của cô bé chăn bò đã thành hiện thực...”.
Những bài viết và tấm gương ấy sẽ thật đẹp, thật ý nghĩa và có tác dụng truyền cảm hứng biết bao nhiêu nếu như sau 4 năm người ta không gặp lại chính những tấm gương ấy trong diện mạo khác như Hà - cô bé thủ khoa “kép” với câu trả lời: "Em vẫn ở nhà chăn lợn"!
Nghe câu trả lời của em, nhiều người lạnh lùng trách cứ: “Tại sao sức dài vai rộng lại ngồi chờ xếp việc? Tại sao không đi dạy tại những trường dân lập ở thành phố mà cứ phải vào biên chế? Thủ khoa mà thất nghiệp thì lỗi là tại ai?”.
Đúng! cũng một phần là lỗi tại em, có thể Hà nên vác hồ sơ đến một trường dân lập nào đó để xin việc. Em có thể nhận mức lương hợp đồng không đủ tiền thuê nhà và chi phí ăn ngày 2 bữa đạm bạc để thực hiện ước mơ dạy học. Em có thể duy trì cuộc sống như vậy 5 năm, 10 năm hoặc mỗi ngày bỏ ra vài nghìn đồng.... mua một tấm vé số biết đâu “thần may mắn” sẽ mỉm cười, em sẽ có một khoản tiền đủ để... có một suất biên chế tại một ngôi trường xứng đáng với tấm bằng xuất sắc mà em đạt được.
Sẽ thật là mỉa mai, nhưng cứ nghĩ thử xem, mỗi năm ngành giáo dục cho “ra lò” cả ngàn thạc sĩ, tiến sĩ. Trong số đó, có không ít những người không có thể có việc làm “đành” đi học lên để “ủ mưu” chờ cơ hội.
Dư luận cũng đã từng giật mình ngã ngửa vì con số gần 200.000 cử nhân sư phạm hiện đang thất nghiệp.
Và mỗi năm, con số đó lại được tăng thêm khi các trường sư phạm mỗi mùa tuyển sinh vẫn đua nhau “vét sàn” để có người học. Tôi tự hỏi: đầu vào sư phạm 3 điểm/ môn thì thủ khoa đầu ra đi... chăn lợn có gì là bất thường?
Bộ GDĐT cũng đã phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, siết đào tạo sư phạm và có đề án đào tạo lại gần 40.000 giáo viên dôi dư cấp phổ thông về dạy mầm non. Và cũng đã nhiều đời Bộ trưởng Bộ GDĐT đã qua nhưng câu hỏi: “Giáo viên bao giờ mới sống được bằng lương?” vẫn còn bỏ ngỏ.
Mỗi năm lại có hàng chục giáo viên phải viết vào đơn... xin ra khỏi biên chế vì đồng lương không đủ sống?
Khi viết những dòng này, tôi cũng vừa đọc được thông tin có một trường vừa mời Hà vào Nam để dạy học. Tôi chỉ hi vọng đó thực tâm là sự trọng dụng và chiêu mộ người chứ không phải là việc dựa vào sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ của em để PR hay đánh bóng tên tuổi, làm hình ảnh!
Advertisement
Advertisement