10/05/2024 09:29
Đầu tư hàng hóa nhóm nông sản đạt mức kỷ lục
Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 9/5, có đến 23/31 mặt hàng giao dịch liên thông thế giới tại MXV tăng giá.
Tuy nhiên, phần lớn các mặt hàng biến động với biên độ hẹp khiến chỉ số MXV-Index chốt ngày chỉ tăng nhẹ 0,39% lên 2.297 điểm.
Đáng chú ý, toàn bộ các mặt hàng nhóm kim loại và năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Cùng với đó, giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh trở lại, đạt trên 8.100 tỷ đồng, cao hơn tới 73% so với ngày trước đó. Trong đó, dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm nông sản, chiếm hơn 50% khối lượng giao dịch toàn thị trường, đồng thời cũng đạt mức cao kỷ lục từng được ghi nhận.
Đồng USD suy yếu đưa sắc xanh phủ kín bảng giá hàng hóa kim loại
Khép lại ngày giao dịch 9/5, giá bạc dẫn dắt đà tăng của thị trường kim loại. Đối với kim loại quý, cả hai mặt hàng đều được hưởng lợi nhờ sự suy yếu của đồng bạc xanh. Chốt ngày, giá bạc lấy lại mốc 28 USD sau khi tăng 2,77%, đóng cửa tại mức 28,36 USD/ounce, cao nhất ba tuần. Giá bạch kim phục hồi 0,63% lên 990,8 USD/ounce, mức cao nhất trong gần một tháng.
Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đạt 231.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 4/5, cao hơn 19.000 đơn so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Trong khi đó, số đơn trợ cấp trung bình 4 tuần đã tăng lên 215.000 đơn, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Dữ liệu này theo sau báo cáo bảng lương của Mỹ giảm mạnh và cơ hội việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, càng cho thấy thị trường lao động Mỹ đang gặp áp lực. Đồng USD quay đầu giảm mạnh sau khi dữ liệu được công bố, chỉ số Dollar Index chốt phiên giảm 0,3% về 105,23 điểm, giá kim loại quý vì thế cũng được hỗ trợ.
Đối với kim loại cơ bản, đồng USD giảm giá cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá các mặt hàng. Hơn nữa, số liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới càng thúc đẩy lực mua kim loại cơ bản. Chốt ngày, giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng COMEX và quặng sắt tăng lần lượt 0,94% và 0,96%.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4, xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,5 điểm so với dự báo và phục hồi mạnh mẽ từ mức giảm 7,5% của tháng 3. Nhập khẩu hàng hóa cũng bật tăng 8,4% trong tháng 4, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 5,4% của thị trường và đảo chiều tăng mạnh từ mức giảm 1,9% của tháng 3.
Dữ liệu hải quan cũng chỉ ra nhập khẩu đồng và quặng sắt của Trung Quốc đều tăng trong tháng 4, do nước này tăng cường tích trữ nguyên liệu cho mùa tiêu thụ cao điểm. Cụ thể, nhập khẩu đồng chưa gia công và bán thành phẩm đạt 438.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi nhập khẩu quặng sắt đạt 101,82 triệu tấn trong tháng 4, tăng 11,35% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,1% so với tháng trước.
Đậu tương mở rộng đà giảm
Trên thị trường nông sản, nhóm đậu tương dẫn dắt đà suy yếu. Mặt hàng này tiếp tục mở rộng đà sụt giảm trong ngày giao dịch 9/5 với mức giảm 1,57%, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Triển vọng nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung từ Mỹ đang dần chững lại, kết hợp với sự quay trở lại của những tín hiệu tích cực về nguồn cung Nam Mỹ là yếu tố đã thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Trên thị trường nội địa, cùng chung xu hướng thế giới, ghi nhận trong sáng hôm qua 9/5, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ về cảng nước ta điều chỉnh giảm nhẹ. Khu vực miền Bắc, tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương kỳ hạn giao quý II năm nay dao động quanh mức 13.050 – 13.350 đồng/kg. Trong khi đó, tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán khô đậu Nam Mỹ ở mức 12.950 – 13.200 đồng/kg.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement