Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đầu tư bất động sản: 'Trong chán, ngoài thèm'!

Bất động sản có vị trí tốt, giá giảm, hoặc mang lại dòng tiền ổn định đang là mục tiêu đầu tư của một số doanh nghiệp sản xuất.

Kế hoạch đầu tư của Hoa Sen và Gỗ Đức Thành

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản vẫn còn thấp, không ít chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên giảm giá bán, điều này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, trong đó có một số doanh nghiệp ngoài ngành.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (Gỗ Đức Thành, mã chứng khoán GDT) cho biết, Công ty có kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, tiêu chí đầu tư là bất động sản đã có sẵn nhà máy và hợp đồng cho thuê.

“Nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư đang ‘mệt’ về tài chính, tại sao chúng ta không tận dụng lãi suất thấp của giai đoạn này để mua tài sản nào người ta đang rất cần bán? Tình hình tài chính của Gỗ Đức Thành rất tốt nên cũng dễ dàng vay”, bà Lê Hải Liễu nói và cho rằng, việc mua bất động sản lúc này không chỉ mang lại nguồn thu cho thuê ổn định, mà còn có khả năng sinh lời rất lớn nếu chuyển nhượng trong tương lai.

Đầu tư bất động sản: 'Trong chán, ngoài thèm'!- Ảnh 1.

“Chúng tôi đã tìm được một nhà máy ở phường Tân Hiệp, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, gần nhà máy số 3 của Công ty. Nhà máy này đã có sẵn một hợp đồng thuê với tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê ổn định khoảng 10%/năm và sau mỗi năm có thể tăng giá thuê”, bà Lê Hải Liễu chia sẻ.

Tương tự, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen, mã chứng khoán HSG), Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Phước Vũ cho hay: “Trong lúc Nhà nước cương quyết làm lành mạnh (thị trường bất động sản), đây là cơ hội của Hoa Sen, Công ty không trừ lĩnh vực nào, Công ty sẽ lựa chọn, đánh giá kỹ từng lĩnh vực để tham gia đầu tư”.

Theo ông Lê Phước Vũ, Hoa Sen đang có hạn mức tín dụng 17.000 - 18.000 tỷ đồng, mới sử dụng 5.000 tỷ đồng, với chi phí vay trung bình chỉ 2,1%/năm, thấp nhất thị trường. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Công ty có lãi liên tục, dòng tiền niên độ tài chính 2023 - 2024 dương 1.500 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, Hoa Sen đã thông qua kế hoạch góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn, đơn vị sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Hoa Sen; cho thuê hoặc chuyển nhượng.

Doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn vì thủ tục pháp lý

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán CII) có hoạt động chính là xây dựng các dự án hạ tầng và vận hành các dự án thu phí đường bộ, nhưng sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp không ít bất động sản thông qua các công ty con.

Tại TP.HCM, CII có các dự án ở Thủ Thiêm như dự án Lakeview 4 có quy mô 9.474 m2, dự án D’Vernal có quy mô 9.474 m2, dự án Riverfront Residence có quy mô 5.823 m2, dự án The River 2 có quy mô 19.882 m2, dự án công trình thương mại văn phòng Lô 1-18 có quy mô 6.054 m2; bên cạnh đó là dự án Khu căn hộ cao tầng NBB Garden III có quy mô 5,27 ha ở Quận 8, dự án Khu căn hộ cao tầng NBB II ở huyện Bình Chánh…

Tuy nhiên, trước câu hỏi về khả năng triển khai dự án bất động sản và dự báo kết quả kinh doanh lĩnh vực này trong thời gian tới, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII thừa nhận, hiện tại, Công ty chưa nói được câu chuyện nào về các dự án bất động sản tại Thủ Thiêm, hay các dự án bất động sản do công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán NBB) triển khai, vì chưa tháo gỡ được vướng mắc thủ tục pháp lý.

“Công ty không thể dự phóng được thời điểm triển khai, cách hạch toán lợi nhuận các dự án tại Thủ Thiêm và dự án do Năm Bảy Bảy sở hữu”, ông Lê Quốc Bình nói.

Với Công ty cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (Saigontel, mã chứng khoán SGT), Tổng giám đốc Nguyễn Cẩm Phương chia sẻ, dự án tại 300 A-B Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP.HCM đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng chậm triển khai do tình trạng chung về thủ tục pháp lý. Saigontel lên kế hoạch tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thi công vào năm 2025.

DUY BẮC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement