29/04/2017 04:47
Đấu giá biển số xe, sao cứ mãi chần chừ?
Trong thời điểm ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, việc đưa biển số xe ra đấu giá để tăng nguồn thu là cần thiết, hợp lý. Đã đến lúc không chần chừ, bàn tới, bàn lui vừa mất thời gian, vừa thất thu tài sản nhà nước.
Trên đây là đề xuất của bạn đọc Phạm Văn Chung -Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, xung quanh việc đấu giá biển số xe.
Nhằm góc thêm một góc nhìn,Tuổi Trẻ Onlinexin giới thiệu bài viết này.
"Việc bánđấu giá biển số xeđã được đưa ra bàn thảo, tranh luận từ nhiều năm. Thậm chí ngay từ năm 1993, Cục Cảnh sát giao thông đã đề nghị thực hiện đấu giá biển số xe để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân, nên không thể thực hiện. Có đại biểu Quốc hội tính rằng nếu đưa ra bán đấu giá thì biển số xe sẽ là nguồn thu khổng lồ, có thể lên đến hàng chục nghìn tỉcho ngân sách.
Ý kiến này được rất nhiều người đồng tình, ủng hộ, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế lại rất chậm, thậm chí là dậm chân tại chỗ. Có ý kiến cho rằng chưa có luật điều chỉnh nên chưa thực hiện được, người dân sẽ sở hữu thế nào, có gây tâm lý mê tín hay không...
Theo chúng tôi, biển số xe mặc nhiên là tài sản của nhà nước, không khuyến khích tâm lý tín ngưỡng và vấn đề sở hữu hoàn toàn có thể giải quyết được. Bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất,có thể khẳng định biển số xe là tài sản nhà nước, vì biển số xe do Nhà nước cấp cho công dân, tổ chức, với mục đích quản lý nhà nước, không gắn liền với nhân thân người sở hữu phương tiện. Do đó, ý kiến cho rằng biển số xe không phải là tài sản là cách hiểu máy móc, sai lầm.
Trường hợp đưa ra đấu giá, cơ quan chức năng chỉ cần quy định thời hạn sử dụng hoặc gắn với từng phương tiện cụ thể là được. Ví dụ, quy định biển số xe chỉ còn giá trị khi xe mang biển số này còn sử dụng được và đang trong thời hạn sử dụng.
Ngược lại nếu quy địnhmột người gắn với biển số xe mình đã đăng ký suốt đời, khi thay xe khác vẫn giữ biển số đó sẽ tiết kiệm kho số, hạn chế tốn kém và những tiêu cực không đáng có. Đặc biệt, gắn mỗi cá nhân một biển số sẽ giúp ích rất nhiều trong việc quản lý của cơ quan chức năng, nhất là xử phạt nguội. Như vậy, có thể giải quyết được vấn đề sở hữu, quyền sử dụng.
Thứ hai,phạm vi điều chỉnh của Luật đấu giá tài sản chỉ quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục. Luật đấu giá tài sản không quy định về tài sản, như thế nào là tài sản đấu giá mà do luật chuyên ngành điều chỉnh. Do đó, cho rằng không thể đấu giá biển số xe được vì vướng Luật đấu giá tài sản là không chính xác, ngụy biện.
Thứ ba, không cần thiết phải xác định biển số nào đẹp, biển số nào không mà sẽ do người dân lựa chọn theo sở thích, tâm lý, quan niệm của mỗi người khác nhau. Cơ quan nhà nước chỉ cần lập danh sách tất cả các số xe đang có và niêm yết công khai. Tùy theo nhu cầu, sở thích các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tự đưa ra mức giá, lựa chọn cho từng số xe để ra giá theo cách thức đấu giá lên (tăng dần giá trị).
Việc này các doanh nghiệp tư nhân, cá nhân kinh doanh số điện thoại đẹp đã làm từ lâu. Tuy nhiên, cũng có thể tuyển chọn, sàng lọc những biển số mà dân gian cho là đẹp như số tứ quý, lộc phát, số tiến, số có tổng là 5, 7, 9… để đưa ra đấu giá trước.
Theo chúng tôi, trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện. Về cơ sở pháp lý, về cách thức tiến hành đấu giá… không có gì vướng mắc. Thực chất biển số xe là tài sản đặc biệt có thể đưa ra đấu giá bình thường.
Thiết nghĩ, trong thời điểm ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, việc đưa biển số xe ra đấu giá để tăng nguồn thu là cần thiết, hợp lý. Vì thế, không nên chần chừ, theo kiểu “bàn tới, bàn lui” vừa mất thời gian, vừa thất thu tài sản nhà nước. Điều này gây bức xúc trong nhân dân, khi có người bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu biển số đẹp mà tiền không biết đã chui vào túi ai"
Advertisement
Advertisement