26/10/2022 18:08
Đập thủy điện Kakhovka - 'Tử huyệt' của cả Nga và Ukraina
Ngày 20/10, trong buổi phát biểu truyền hình thường nhật, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tố cáo Nga đã cho gài mìn đập thủy điện Kakhovka trong vùng Kherson, miền Nam Ukraina, hiện do Nga kiểm soát.
Moskva bác bỏ và cáo buộc ngược trở lại là Kiev có âm mưu phá hoại cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược cao. Liệu "thảm họa nhân đạo quy mô lớn" có nguy cơ xảy ra, hay chỉ là một "cuộc chiến thông tin" giữa Nga và Ukraina?
Là một mục tiêu chiến lược đối với Nga, đập thủy điện Kakhovka, được xây dựng vào những năm 1950, dài hơn 3.000 m, đã rơi vào tay Nga ngay ngày đầu cuộc chiến (24/2/2022). Con đập lớn này là nguồn cung cấp nước ngọt duy nhất cho Criméa, bán đảo bị sáp nhập vào Nga năm 2014.
Đây cũng là nguồn thủy lợi tưới tiêu cho những vùng hạ lưu ở Biển Đen, điều chỉnh dòng chảy sông Dniepr, và nhất là cho phép duy trì nhiệt độ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.
Khi tố cáo Nga gài mìn đập thủy điện, tức là Tổng thống Ukraina đã gióng lên hồi chuông báo động, xem đó là một "thảm họa quy mô lớn" có thể xảy ra. Trên thực tế, Kiev có lý do để lo sợ điều đó.
Việc đập thủy điện bị nổ sẽ phá hủy hồ chứa nước nhân tạo dài 240 km, rộng đến 23 km và như vậy sẽ gây ra một kiểu sóng thần nhỏ, nhấn chìm một phần lớn làng mạc, thành phố ở miền Nam Ukraina, và có thể cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Việc phá hủy đập thủy điện cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến khả năng làm nguội các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.
Kiev tố cáo mưu đồ này của Nga là một phần trong "kế hoạch Surovikin" - tên của Tướng Serguei Surovikin vừa được bổ nhiệm chỉ huy các hoạt động quân sự trên chiến trường Ukraina, trong đó có "cài mìn đập thủy điện và các trạm biến thế, tiến hành di dân cưỡng bức và nhấn chìm lãnh thổ Ukraina nhằm chặn đà tiến của quân đội Ukraina".
Vào lúc Nga đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường, việc cho nổ đập thủy điện sẽ là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, một phương cách để Tổng thống Nga Vladimir Putin đảo ngược tình thế, chặn đà phản công của quân đội Ukraina.
Đương nhiên, phía Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời tố ngược lại rằng đã nhận được nhiều thông tin về việc các lực lượng Ukraina đang chuẩn bị tấn công ồ ạt, rất có thể là bằng tên lửa Himars do Mỹ cung cấp, nhắm vào đập thủy điện Kakhovka.
Cuộc chiến thông tin?
Tuy nhiên, theo đài truyền hình Pháp France 24, dường như cả Nga và Ukraina đang lao vào một cuộc chiến thông tin. Lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraina, ngày 24/10, đã giảm nhẹ các phát biểu của Tổng thống Ukraina khi thừa nhận rằng nếu con đập này bị nổ, đà tiến quân của Ukraina cũng chỉ "bị chậm lại có hai tuần".
Nếu như ông nghi ngờ đập Kakhovka bị cài mìn "một phần" - thì việc cho nổ tung cả con đập cũng không phải là điều dễ vì phải "cần đến hàng tấn chất nổ". Một chiến dịch như vậy đương nhiên sẽ gây ra thảm họa môi trường mà Nga cũng phải trả giá, theo đó "cả vùng tả ngạn Kherson do Nga chiếm đóng sẽ bị nhấn chìm".
Theo phân tích của France 24, những cáo buộc này giữa Nga và Ukraina dường như là "khó tin". Một mặt, Ukraina không đủ khả năng và phương tiện để cho phá nổ đập thủy điện, do việc các lực lượng Ukraina về mặt hình thức "không thể tiếp cận để cài mìn", và "tên lửa Himars cũng không thể phá sập được cả một khối bê tông đồ sộ".
Mặt khác, nếu Nga phá đập sẽ là một hành động tự sát. Một phần lớn các lực lượng của Nga vẫn còn bên phía hữu ngạn, nếu đập bị phá, quân đội Nga cũng không thể băng sông, gây nguy hiểm cho việc tiếp tế nước ở Criméa, cũng như làm phức tạp thêm quy trình làm nguội các lò phản ứng ở Zaporijjia.
Tóm lại, theo kết luận của France 24, dường như "cả hai bên đang lao vào một cuộc chiến truyền thông, cáo buộc lẫn nhau những điều viển vông".
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp